Cách mạng Công nghiệp 4.0: Đổi mới mô hình đào tạo

Hội nghị khoa học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày 26/2. Hội nghị tập trung trao đổi về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng; hơn 300 nhà quản lý, tiến sĩ, nhà khoa học của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Các đại biểu dự Hội nghị khoa học đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 
Tại Hội nghị, đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ, trao đổi những vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực chất lượng cao như: Mô hình đại học điện tử, hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học… trong thời kỳ CMCN 4.0 hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Chúng ta đang đối mặt với sự chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình tăng trưởng; nguồn lực quan trọng nhất là con người, với yếu tố liên quan đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Từ đó thấy rõ hơn vai trò của cơ sở đào tạo nguồn nhân lực. Nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới, sẽ rất khó để đảm bảo được sự chuyển mình, đảm bảo yêu cầu giai đoạn mới”.
Đổi mới mô hình đào tạo
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có nhiều nỗ lực đổi mới mô hình đào tạo, có giải pháp thiết thực gỡ nút thắt trong phát triển công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: Thời gian qua, Trường đã nghiên cứu và thực hiện một số bước để đưa cuộc CMCN 4.0 vào công tác đào tạo. Tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường đều thiết kế theo tiếp cận CDIO với định hướng ứng dụng và hội nhập quốc tế, cập nhật công nghệ mới theo xu thế của cuộc CMCN 4.0.
PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. 
Đặc biệt, nhà trường thay đổi phương pháp dạy - học theo hướng kết hợp phương pháp truyền thống và dạy học trực tuyến; ứng dụng mạnh mẽ ICT vào giảng dạy và các quá trình quản lý đào tạo theo mô hình đại học điện tử; giảng viên lên lớp ngoài giảng dạy lý thuyết và thực hành tại xưởng, phòng thí nghiệm, còn phải đưa ra các bài tập tình huống để sinh viên làm việc theo nhóm nhằm giải quyết tận gốc của vấn đề.
Nhà trường đã phối hợp với hơn 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước và nhiều doanh nghiệp ủng hộ nhà trường các hệ thống thiết bị để phục vụ đào tạo, cũng như đón nhận sinh viên vào thực tập. Đa số các doanh nghiệp đón nhận sinh viên thực tập đã tuyển dụng được nhân viên đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các đại biểu trồng cây lưu niệm tại trường. 
Tiếp cận từ thực tiễn đào tạo kỹ thuật, TS. Nguyễn Văn Thiện, Trưởng khoa Cơ khí (Trường ĐHCN Hà Nội) cho rằng, để tận dụng cơ hội và bắt kịp cuộc CMCN 4.0, cần bắt đầu từ những việc đơn giản, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Các nhà trường cần xây dựng các phòng học thông minh và có sự hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp và nhà trường; ngoài ra cần đẩy mạnh việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu…
Theo Tạp chí mặt trận

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN