Cách điều trị dị tật bẩm sinh “còn ống động mạch”

Còn ống động mạch là bệnh lý tim bẩm sinh phổ biến nhưng có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển bình thường và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Còn ống động mạch (𝐏𝐃𝐀): máu từ tim chạy ngược vào phổi

Các bác sĩ bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, còn ống động mạch (Patent Ductus Arteriosus - PDA) là bệnh tim bẩm sinh, xảy ra khi ống động mạch - một cấu trúc bình thường trong thời kỳ bào thai giúp máu đi từ động mạch chủ sang động mạch phổi mà không qua phổi - không tự đóng lại sau khi sinh.

Trong thời kỳ bào thai, ống động mạch giúp máu lấy oxy từ mẹ mà không cần qua phổi. Sau khi sinh, ống động mạch cần đóng lại để máu lưu thông đúng hướng qua phổi để lấy oxy.

Khi ống động mạch không đóng, máu từ động mạch chủ chảy ngược vào động mạch phổi làm tăng lưu lượng máu vào phổi, gây tăng áp động mạch phổi và có thể dẫn đến suy tim nếu không được điều trị kịp thời.

- Nguyên nhân chính xác của còn ống động mạch chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố liên quan đến sự phát triển của còn ống động mạch bao gồm sinh non, các rối loạn di truyền (Hội chứng Down, Noonan, Cri-du-chat và nhiễm Rubella ở mẹ khi mang thai).

Yếu tố nguy cơ:

- Sinh non: Trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc bệnh lý còn Ống động mạch do phản ứng của cơ trơn Ống động mạch với oxy không tốt như trẻ sinh đủ tháng.

- Tiền sử gia đình: Các yếu tố di truyền có thể góp phần vào sự gia tăng của bệnh lý còn Ống động mạch.

- Bệnh lý bẩm sinh: Một số rối loạn di truyền như Hội chứng Down và các bệnh lý tim bẩm sinh khác có thể liên quan đến còn Ống động mạch.

Cách điều trị dị tật bẩm sinh “còn ống động mạch”

Triệu chứng

- Còn Ống động mạch kích thước nhỏ: Thường không gây triệu chứng và có thể chỉ được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ.

- Còn Ống động mạch kích thước lớn: Gây ra các triệu chứng rõ ràng hơn như Tăng trưởng kém; Đổ mồ hôi khi khóc hoặc khi ăn; Thở nhanh hoặc khó thở liên tục; Dễ mệt mỏi; Nhịp tim nhanh.

- Khám sức khỏe: Bác sỹ thường nghe thấy tiếng thổi ở tim khi khám sức khỏe cho trẻ.

- Siêu âm tim: Phương pháp này sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh của tim, giúp xác định kích thước và ảnh hưởng của còn Ống động mạch.

- Chụp X-quang lồng ngực: Giúp đánh giá kích thước của tim và phổi.

- Điện tâm đồ (Electrocardiogram - EKG): Để đo hoạt động điện học của tim và phát hiện các bất thường.

Phát hiện và điều trị sớm giúp trẻ khỏi bệnh

- Sử dụng thuốc: NSAIDs (Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs): Thuốc như Ibuprofen hoặc Indomethacin thường được sử dụng để giúp đóng Ống động mạch ở trẻ sinh non. Tuy nhiên, các thuốc này không hiệu quả đối với trẻ đủ tháng, trẻ nhỏ và người lớn.

- Đóng Ống động mạch qua da: Thủ thuật này sử dụng một ống thông mỏng được đưa vào mạch máu ở bẹn và luồn đến tim để đặt dụng cụ (Coil hoặc Device) đóng ống động mạch. Phương pháp này ít xâm lấn và phù hợp cho trẻ > 06kg.

- Phẫu thuật: Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc không thể thực hiện thủ thuật qua da, phẫu thuật thắt ống động mạch bằng chỉ khâu hoặc kẹp sẽ được thực hiện. Phẫu thuật này thường áp dụng cho trẻ còn ống động mạch kích thước lớn hoặc người lớn bị dị tật còn ống động mạch gây ra các vấn đề sức khỏe.

Biện pháp phòng ngừa

- Chăm sóc thai kỳ và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để đảm bảo sức khỏe thai nhi:

+ Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là Axit Folic.

+ Tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai.

+ Kiểm soát đường huyết và tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh lây nhiễm.

+ Thực hiện khám thai định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.

Còn ống động mạch là bệnh lý tim bẩm sinh phổ biến nhưng có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển bình thường và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Các phương pháp điều trị hiện đại, từ sử dụng thuốc, thủ thuật đóng ống động mạch qua da đến phẫu thuật đều đã chứng minh hiệu quả trong việc điều trị còn ống động mạch, từ đó giúp bệnh nhi có cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Hơn nữa, việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em.

Thúy Nga