Theo thông tin từ Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay tình hình bệnh dại trên chó đang diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng trong 2 tuần qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện 3 ổ dịch dại ở các huyện Cái Nước, Ngọc Hiển và TP Cà Mau.
|
Cà Mau xuất hiện thêm 3 ổ dịch bệnh dại chỉ trong 2 tuần |
Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận tổng cộng 9 ổ dịch, xảy ra ở 8 xã và 1 thị trấn của các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển và TP Cà Mau.
Hiện vẫn còn 4 ổ dịch ở xã Phú Tân (huyện Phú Tân), xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước) và xã Hoà Thành (TP Cà Mau) chưa qua 21 ngày.
Gần đây nhất, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước ban hành Quyết định công bố dịch bệnh dại trên chó thuộc địa bàn ấp Giải Phóng, xã Tân Hưng Đông. Trước đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm con chó có biểu hiện mắc bệnh dại của hộ ông Trần Văn Bầu, ấp Giải Phóng, xã Tân Hưng Đông, gửi Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm, cho kết quả dương tính với vi-rút gây bệnh dại.
Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiêm phòng bệnh dại được 16.323 liều (con), đạt 12% so với tổng đàn. Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp là một trong những nguyên nhân xảy ra các ổ dịch và nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong.
Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt.
Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà cho trẻ.