Muôn chiêu lừa gạt sơn nữ
PV báo Người Đưa Tin đã tìm về huyện Krông Bông để ghi nhận thông tin vụ việc. Con đường đất đỏ vào thôn Nol Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) nhầy nhụa, khó đi vì những trận mưa nặng hạt. Hỏi thăm nhiều người, chúng tôi mới tìm được nhà của em Hồng Thị C., một trong số các nạn nhân bị Vàng Seo Gia bán sang Trung Quốc vào đầu năm 2017. C. là nạn nhân may mắn được lực lượng chức năng nước bạn phát hiện, giải cứu và giúp cô trở về Việt Nam.
Nhớ lại sự việc, C. cho biết, vào đầu năm 2017, thông qua mạng xã hội facebook, cô đã làm quen với một thanh niên tên Phềnh. Sau nhiều lần nhắn tin, Phềnh cho biết, gia đình ở Lào Cai, rất giàu có và muốn cưới C. làm vợ. Trước những lời đường mật của Phềnh, C. đã xiêu lòng và đồng ý ra Lào Cai để thăm “người chồng tương lai”. Lúc này, Phềnh đã thuê Vàng Seo Gia về huyện Krông Bông tìm C., rồi đưa ra tỉnh Lào Cai. Sau đó, Phềnh và Gia đã đưa C. sang thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch rồi bán cho một người đàn ông Trung Quốc với số tiền gần 50 triệu đồng.
|
Em Hồng Thị C. |
“Khi bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc, em mới biết mình đã bị Phềnh và Gia lừa. Trong lúc người đàn ông Trung Quốc đưa lên xe khách để về nhà, em đã khóc rất nhiều. Rất may, trên đường đi, chiếc xe khách bị lực lượng Cảnh sát Trung Quốc chặn lại để kiểm tra. Lúc này, em đã chạy tới cầu cứu cán bộ cảnh sát và được giải cứu, đưa về Việt Nam”, C. chia sẻ.
Ngày 6/10, thông tin từ VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã ban hành cáo trạng truy tố đối với các đối tượng Sùng Seo Xá (SN 1992, trú tỉnh Đắk Nông), Vàng Seo Gia (SN 1994, trú tỉnh Lào Cai) về các tội Mua bán người, Mua bán trẻ em; các bị can Thảo A Vảng (SN 1993, trú tỉnh Đắk Nông), Vàng A Chính (SN 1993, trú tỉnh Đắk Lắk) về tội Mua bán trẻ em.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2016, Vàng Seo Gia vượt biên, sang thị trấn Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và quen với các đối tượng tên Phềnh, Quang, Thái, Hà (không xác định được nhân thân lai lịch). Lúc này các đối tượng cùng Gia bàn bạc lừa các cô gái người dân tộc H’Mông ở Việt Nam bán sang Trung Quốc lấy tiền. Cuối tháng 11/2016, Phềnh nói với Gia đã dụ dỗ được Hồng Thị C. (SN 1998, trú xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) qua mạng xã hội facebook. Lúc này Phềnh đề nghị Gia đến huyện Krông Bông đón C. đưa sang Trung Quốc. Phềnh đưa cho Gia 6 triệu đồng làm lộ phí đi lại.
Khi về Việt Nam, Gia đi đến huyện Krông Bông tìm gặp C. rồi đưa cô này lên Lào Cai. Tại đây, Gia đưa C. vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Gia thỏa thuận với Phềnh bán C. cho một người đàn ông với giá 18.000 Nhân dân tệ. Sau khi bán nạn nhân, Phềnh đưa cho Gia 22 triệu đồng tiền Việt Nam. Còn Hồng Thị C. sau khi bị bán đã được Công an Trung Quốc giải cứu và trao trả cho Công an Việt Nam.
Cũng bằng chiêu trò tiếp cận các nạn nhân qua mạng xã hội facebook, Vảng quen biết với Dương Thị M. (SN 2002, trú tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông) hứa sẽ cưới M. làm vợ. Đến cuối tháng 5/2017, Vảng, Chính và Xá đến huyện Krông Bông dụ dỗ M. và chở M. lên TP. Buôn Ma Thuột rồi đón xe khách đi ra Lào Cai bán cho Vàng Seo Gia. Sau khi đưa M. vượt biên trái phép qua Trung Quốc, Vảng và Gia quay trở lại Việt Nam đã bị Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ.
Cũng bằng “bổn cũ” vào tháng 7/2017, Xá nhắn tin làm quen với Lê Thị D. (SN 2000, trú tại xã Hoà Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk), gạ gẫm, hứa hẹn là sẽ cưới D. làm vợ. Ngày 10/8/2017, Vảng hẹn gặp D. tại bến xe liên tỉnh phía Bắc, TP.Buôn Ma Thuột để cùng đón xe ra Lào Cai. Tuy nhiên, do nghi ngờ Vảng là đối tượng buôn người nên Lê Thị D. đã báo sự việc đến cơ quan công an.
Sa bẫy vì tin lời đường mật
Thượng tá Huỳnh Văn Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Vảng và Gia, Sùng Seo Xá, Vàng A Chính là chân rết trong đường dây mua bán phụ nữ sang Trung Quốc. Đến thời điểm bị bắt, Vảng và Gia đã lừa đưa 5 nạn nhân ở các huyện Krông Bông, Ea Súp, (tỉnh Đắk Lắk), huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) sang Trung Quốc bán. Mỗi cô gái được đưa sang Trung Quốc, Vảng và Gia được trả thù lao từ 10 - 20 triệu đồng/người.
Chia sẻ thêm về vụ án, Thượng tá Huỳnh Văn Long cho biết, đa số các đối tượng buôn người đều tiếp cận các nạn nhân qua mạng xã hội nên rất khó để lực lượng chức năng phát hiện. Bên cạnh đó, các nạn nhân đều là người đồng bào H’Mông ở vùng sâu vùng xa, thiếu hiểu biết nên các đối tượng dễ dàng dụ dỗ, lừa đảo.
“Hiện, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đang phối hợp với công an các tỉnh tăng cường các hoạt động phòng chống, ngăn ngừa tội phạm buôn người, nhằm đảm bảo an ninh địa phương. Bên cạnh đó, công an tỉnh cũng phối hợp với cơ quan Cảnh sát Trung Quốc, giải cứu các nạn nhân bị bán sang nước này, đưa họ về với gia đình”, Thượng tá Huỳnh Văn Long cho biết thêm.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết: “Tại huyện có nhiều xã tập trung người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư vào như: Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm... Trong những năm gần đây, tại các xã này gia tăng về tình trạng các nạn nhân, đa số là người H’Mông bị các đối tượng lừa đảo, bán sang Trung Quốc. Một số nạn nhân hiện vẫn chưa rõ tung tích. Để ngăn chặn tình trạng lừa rồi bán phụ nữ, huyện cũng như chính quyền địa phương đã tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao nhận thức để ngăn ngừa tội phạm buôn người”.
Thủ đoạn của những kẻ buôn người
Theo nhận định của các chuyên gia, ngoài thủ đoạn trên, môi giới lao động là một trong số các thủ đoạn phổ biến của bọn tội phạm buôn bán người, buôn bán phụ nữ. Bọn họ đánh vào nhu cầu cần việc làm của người dân ở vùng sâu, vùng xa với hứa hẹn sang Trung Quốc làm việc nhẹ nhàng mà kiếm được nhiều tiền.
Thủ đoạn của những kẻ buôn người thường thay đổi liên tục. Đặc biệt, chúng có thể nhắm vào chính những người dân tưởng chừng không xa lạ gì với vùng biên, với hoạt động giao thương Việt Nam - Trung Quốc. Lợi dụng sự tin tưởng của nạn nhân, ngay sau khi sang bên kia biên giới, những kẻ buôn người sẽ lập tức cấu kết với các đối tượng khác để đẩy người bị hại vào thế “trở tay không kịp”. Nạn nhân thậm chí có thể bị bán "sang tay" nhiều lần, bị đưa vào sâu trong nội địa nếu không được cơ quan chức năng phát hiện và giải cứu kịp thời.