Bộ Y tế tích cực tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc cục bộ

Sau dịch COVID-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số đơn vị, một số địa phương nhưng chỉ diễn ra cục bộ, tại một số thời điểm, đơn vị, một số loại, chứ không phải tất cả. 

Chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc hiếm

Trước tình trạng phản ánh thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tồn tại ở một số bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ.

“Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Albumin, Globulin...)”, bà Lan nói.

Bộ Trưởng Lan cũng thừa nhận có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện đấu thầu, mua sắm...).

Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn...) do không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại họp báo chính phủ thường kỳ

TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thừa nhận tại bệnh viện vẫn tồn tại tình trạng người bệnh phải đi mua thuốc ngoài do thiếu thuốc. Tuy nhiên, tại đây hiện chỉ thiếu một số thuốc không có thuốc thay thế do không mua sắm được vì không có nhà cung cấp tham gia đấu thầu như Albumin và Gamma Globulin. “Số bệnh nhân ghép tạng cần dùng loại thuốc này rất nhiều, nhưng không có trong dược nội trú, nên buộc phải mua ngoài. Đây cũng là loại thuốc mà nhiều bệnh viện công đang thiếu”, TS. Hùng nói đồng thời thông tin thêm hiện các gói thầu có kết quả, bệnh viện đã gọi được hàng.

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, một số loại thuốc, vật tư có gián đoạn trong thời gian đấu thầu nhưng bệnh viện cũng có các loại thay thế. Một số bệnh nhân không đồng ý đổi phác đồ điều trị, hoặc muốn sử dụng loại tốt hơn so với các loại bệnh viện cung cấp dẫn đến việc phải ra ngoài mua. Tuy nhiên, đây là những thuốc không quy định trong danh mục Bảo hiểm Y tế chi trả.

“Đến nay Bệnh viện K không thiếu thuốc trong danh mục do Bảo hiểm Y tế chi trả. Một số loại thuốc hoặc vật tư không được Bảo hiểm Y tế chi trả bệnh nhân có thể mua tại nhà thuốc Bệnh viện K. Hiện nay các nhà thuốc của bệnh viện không xảy ra tình trạng thiếu thuốc”, GS.TS Quảng khẳng định

Trả lời câu hỏi về vấn đề thiếu thuốc tại một số bệnh viện và giải pháp tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/8. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, để thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phải có hai yếu tố chính là vấn đề thể chế (văn bản chính sách liên quan đến mua sắm, đấu thầu) và quá trình tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu ở địa phương, cơ sở y tế.

Nếu thể chế có đầy đủ nhưng ở địa phương, đơn vị "mà còn vấn đề nọ vấn đề kia" trong tổ chức thực hiện, cũng dẫn đến không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.

"Ví dụ các địa phương có bố trí kinh phí không, rồi trong quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu có đảm bảo tiến độ không? Lựa chọn nhà thầu thế nào? Rồi khi lựa chọn rồi nhà thầu có cung ứng vật tư, thuốc không hay là bỏ đó..."- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, vừa qua, đặc biệt là sau dịch COVID-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số đơn vị, một số địa phương nhưng chỉ diễn ra cục bộ, tại một số thời điểm, đơn vị, một số loại, chứ không phải tất cả.

"Tôi đã đi khảo sát Bệnh viện Trung ương Huế, đơn vị này khẳng định không thiếu thuốc, vật tư y tế"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn chứng.

Bộ Y tế tích cực tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc cục bộ

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Để giải quyết vấn đề này,Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản giúp các bệnh viện, cơ sở y tế có cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai đấu thầu, mua sắm, góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại và nâng cao hiệu quả cung ứng thuốc, thiết bị y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan xây dựng Luật Đấu thầu, trong đó, có một chương quy định về đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bao quát các tình huống, trường hợp trong thực tiễn. Các văn bản cũng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các bệnh viện chủ động, linh hoạt trong việc mua thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhận diện được vấn đề này, Bộ Y tế đã đề ra giải pháp khắc phục, cụ thể là tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư liên quan để ban hành Thông tư, Nghị định, Luật như: Nghị quyết rất có ý nghĩa trong vấn đề cấp số đăng ký lưu hành thuốc tự động; Nghị quyết 30 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc; Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với các ban ngành để xây dựng luật Đấu thầu; Luật giá... và ban hành các thông tư hướng dẫn... để tạo điều kiện cho có các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được nhập thuốc...

"Qua đi khảo sát thực tế, vấn đề hoàn thiện thể chế trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế cơ bản đầy đủ, chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện. Các địa phương phải rất linh hoạt trong vận dụng để tổ chức đấu thầu, miễn là công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, hay dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong vấn đề này"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ tại buổi họp báo.

Bộ Y tế tích cực tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc cục bộ

4 điểm mới nhằm tháo gỡ thiếu thuốc, vật tư y tế

Ông Tuyên cũng chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Cụ thể, thứ nhất cho sử dụng một giấy báo giá (thay vì ba giấy báo giá như trước) hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn.

Mua thiết bị, hóa chất là phải có hội đồng của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất để tránh tình trạng mua về nhưng không dùng được.

Thứ hai, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế. Tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu.

Thứ ba, quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu.

Thứ tư, được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.

Ông nhấn mạnh đây là 4 điểm mới giúp giải quyết tình trạng thiếu thuốc. Tuy nhiên, ông nói vấn đề dù thể chế về đấu thầu, mua sắm thuốc đầy đủ nhưng chủ yếu lại nằm ở tổ chức thực hiện tại cơ sở phải làm sao công khai, minh bạch và không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong thực hiện việc này.

Thúy Nga