Bộ trưởng Y tế "nằm ngoài" tiêu chuẩn GS: GS.TS Phạm Huy Dũng nói gì?

Liên quan đến thông tin nhiều hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư và xin rút trong đó có ứng viên giáo sư là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, GS.TS. Phạm Huy Dũng đã lên tiếng.
 GS.TS. Phạm Huy Dũng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hoàn toàn đủ điều kiện để nhận học hàm giáo sư theo quy định hiện hành và vì lẽ công bằng, khách quan”, GS.TS Phạm Huy Dũng, Trường Đại học Thăng Long, nhận định.
“Khuyết điểm duy nhất là bộ trưởng”
- Căn cứ vào đâu ông tin Bộ trưởng Tiến đủ tiêu chuẩn?
- GS.TS Phạm Huy Dũng: Tôi dám đứng ra bảo vệ hồ sơ của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim. Xem hồ sơ của chị Tiến, tôi thấy không có gì sai so với quy định. Chị từng dạy dịch tễ cùng tôi ở Trường Đại học Y. Đến Viện Pasteur, chị mở rộng sang y học dự phòng. Về Bộ Y tế, chị làm quản lý sức khỏe. Thời kỳ phụ trách Bộ Y tế, chị tổ chức thực hiện đường lối y tế Việt Nam về chăm sóc sức khỏe toàn dân dựa trên bảo hiểm y tế toàn dân. Chị tham gia đẩy mạnh phát triển mô hình bác sỹ gia đình và kinh tế y tế. Chị chỉ có một khuyết điểm duy nhất là bộ trưởng. Tuy nhiên, đối chiếu quy định hiện hành, khuyết điểm ấy không tồn tại.

Làm việc với Tổ Công tác của Chính phủ ngày 28/3, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh những ai trong số 94 ứng viên tạm để lại sau vòng một “không đáp ứng đủ điều kiện thì không công nhận dù bất kể là ai”.

- Hà cớ gì bộ trưởng phải được phong chức danh GS?
- Xem xét bất cứ vấn đề gì cần gắn với hoàn cảnh lịch sử và cụ thể. Câu hỏi nhạy cảm này cần được đặt ở thì hiện tại, ở bối cảnh pháp lý trước hết thay vì bối cảnh dư luận. Tính chính danh của một quyết định hành chính là nó có dựa trên văn bản pháp lý cao hơn đang còn hiệu lực không hay chỉ dựa trên những gì ngoài luật.
Quy trình đang có hiệu lực không hề cấm ứng viên không đúng nghề, không làm trong lĩnh vực quản lý hay nghiên cứu, đăng ký học hàm. Các anh Đỗ Nguyên Phương, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Viết Tiến hay Nguyễn Thanh Long, v.v. vài năm trước nhận chức danh GS trên cương vị bộ trưởng, thứ trưởng y tế cũng không sai vì không vi phạm quy định hiện hành. Chị Tiến làm hồ sơ đăng ký GS là theo logic pháp lý đang còn hiệu lực ấy. Tôi nhấn mạnh “đang còn hiệu lực”.
“Không hề có ý hạ thấp dư luận”
- Nói thẳng ra ông muốn Bộ trưởng Tiến được phong GS?
- Tôi nói chị Tiến hoàn toàn xứng đáng vì thoả mãn các điều kiện pháp lý hiện hành. Bỏ phiếu cho người đủ điều kiện là thượng tôn pháp luật trong một nhà nước pháp quyền.
Tôi không hề có ý hạ thấp dư luận, lực lượng mà chính phủ liêm chính cần luôn dựa vào để soi chiếu, kiểm tra và điều chỉnh hành vi của mình. Vấn đề ở chỗ tiếp thu ý kiến phải được triển khai trên cơ sở trình tự luật pháp. Phản biện của dư luận, nếu thấy đúng, cần sớm được chuyển hoá thành luật và nhanh chóng phủ định cái hiện hành không còn thích hợp nữa.
Hơn nữa, nếu tạo dư luận cho một mục đích không lành mạnh lại là một vấn đề. Nếu người quản lý thiếu sáng suốt, không phân biệt dư luận được tạo ra với mục đích không lành mạnh để rồi hành xử theo dư luận ấy, sớm muộn hành động ấy sẽ chuyển hoá thành một tai nạn cho xã hội.

“Bỏ phiếu cho người đủ điều kiện là thượng tôn pháp luật trong một nhà nước pháp quyền, cho thấy chính phủ đang hành xử theo luật thay vì theo cảm xúc, cụ thể là theo dư luận”, GS.TS. Phạm Huy Dũng

- Xem ra ông muốn quy định bất hợp lý hiện hành vẫn được thực thi?
- Ủng hộ Bộ trưởng Tiến được phong GS vào thời điểm hiện tại không có nghĩa tôi đồng tình duy trì chính sách tiếp tục xét phong học hàm cho những người làm quản lý hành chính nhà nước, kể cả nghiên cứu khoa học mà không dạy học.
Giáo sư chỉ là một chức danh nghề nghiệp, cụ thể là nghề dạy học. Họ được phong và tuyển dụng chỉ vì chức năng này chứ không thể vì mục đích nào khác. Khi còn còn thuộc biên chế ở Trường Đại học Y Hà Nội cũng như làm tại Viện Chiến lược&Chính sách Y tế, nhiều lần tôi đã phát biểu ngay từ khi Bộ trưởng Phạm Song làm hồ sơ cho chức danh GS rằng người quản lý không nhất thiết phải làm GS với những lập luận như đang được nêu lên hiện nay.
Song nếu luật pháp chưa chịu hoặc chưa muốn thay đổi suốt bao năm qua vì lý do nào đó mà tôi thực sự không lý giải nổi, nếu luật pháp còn cho phép những người quản lý hành chính được làm GS, nếu các anh bộ trưởng như Phạm Song, Đỗ Nguyên Phương được làm giáo sư thì không lý do gì không công nhận GS cho Bộ trưởng Tiến một khi chị đáp ứng các quy định hiện hành.
- Ý ông có phải lọc 94 người ra khỏi danh sách xét duyệt vừa qua là không phù hợp?
- Tôi muốn dùng từ mạnh hơn - không chấp nhận được. Các hội đồng xét duyệt làm đúng quy trình đã ban hành, trừ một số rất ít trường hợp vi phạm, tại sao phải dừng?
Quy trình hiện hành do vấn đề lịch sử, do sai hệ thống. Không thể mang cái sai của lịch sử ra để phán xét cái đương đại trong khi quy định lịch sử chưa thay đổi.
Pháp không bầu giáo sư như mình
- Nếu được quyền sửa đổi quy trình tuyển chọn GS để giảm nạn hữu danh vô thực, ông có sáng kiến gì không?
Trao đổi với các giáo sư Trường Sophia Antipolis, Đại học Nice, Pháp, tôi thấy ta có thể tham khảo mô hình của họ. Cái được đầu tiên là, với mô hình ấy, không có chuyện phong danh hiệu GS cho đơn vị nghiên cứu hay cơ quan quản lý. Nếu đến trường đại học thỉnh giảng, người ở cơ quan nghiên cứu hoặc quản lý được trả phí như một loại dịch vụ.
Về cấu trúc, họ có một hội đồng nhà nước chịu trách nhiệm xem xét nhu cầu giáo sư của từng trường, từng cơ sở đào tạo. Thông tin tuyển dụng giáo sư được công bố công khai và bất cứ ai cũng có thể nộp đơn xin phong danh hiệu.

“Quy trình đang có hiệu lực không hề cấm ứng viên không đúng nghề, không làm trong lĩnh vực quản lý hay nghiên cứu, đăng ký học hàm”, GS.TS. Phạm Huy Dũng

Hội đồng nhà nước sẽ tổ chức các hội đồng xét tuyển cho từng trường. Một người có thể nộp đơn phong giáo sư ở nhiều trường chứ không chỉ một. Bên cạnh đó, trường có quyền tuyển số giáo sư dư hơn so với nhu cầu thực tế. Thậm chí, trường có thể phong và tuyển người đã được phong và tuyển tại một trường khác.
Nếu ứng viên không thuộc trường, đa số thành viên của hội đồng xét duyệt có thể đến từ trường. Ngược lại, nếu ứng viên là người của trường, đa số thành viên của hội đồng phải ngoài trường.
Tuyển dụng và phong gắn liền với nhau

Các quy định hiện hành cần được thực thi một khi chưa bị loại bỏ. Nếu thấy bất hợp lý thì dừng và chỉ dừng khi có quy định mới. Nhưng nếu thực thi, phải bình đẳng với tất cả”, GS.TS. Phạm Huy Dũng.

- Nhiều người ở VN được phong hàm nhưng không được tuyển dụng. Cách của Pháp có khắc phục được nạn này không?
- Tôi thích tuyển dụng hơn phong hàm. Phong học hàm rồi mời tham gia khác với phong và tuyển dụng. Bên Pháp phong hàm GS để tuyển dụng GS.
Vừa rồi GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Thăng Long mời ông Lê Thanh Nhân, con trai ông Lê Thanh Nghị, GS tin học Đại học Nice, Pháp, đến Đại học Thăng Long để nói rõ hơn về vấn đề này.
- Nhưng làm gì có chuyện bất biến, thưa ông?
- Pháp cũng thấy quy định hiện hành có cái gì đó cần thay đổi để làm thế nào tuyển dụng được thực tài thay vì phong danh hão.
Đúng là dù tốt mấy cũng không bao giờ hoàn thiện. Đừng bao giờ mong có cái gì toàn bích. Cuộc đời chẳng bao giờ toàn vẹn. Cái chính là luôn sẵn sàng nhìn thấy sai và sửa sai. Đấy chính là cốt lõi của phát triển.
- Cám ơn ông nhiều!
Theo Hoàng Quốc Dũng/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN