Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhà vệ sinh bệnh viện nào bẩn, giám đốc ở bẩn

Nếu bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là Giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào mà để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, trưởng khoa đó ở bẩn.
Nhà vệ sinh bệnh viện nào bẩn, giám đốc bệnh viện đó ở bẩn
Phát biểu trước Quốc hội sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, về chất lượng khám chữa bệnh và y tế cơ sở đã có những tiến bộ khá rõ nét.
“Trong tất cả các dịch vụ thì đích cuối cùng vẫn phải là sự hài lòng của con người”, Bộ trưởng Tiến nói.
Theo đánh giá gần đây nhất của UNDP qua chỉ số PAPI độc lập thì chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh đạt được 76% và Tổ chức sáng kiến Việt Nam đánh giá 3.000 người dân ra viện, phỏng vấn người nhà sau 2 tuần thì tỷ lệ hài lòng với bệnh nhân nội trú là 80%.
Bo truong Nguyen Thi Kim Tien: Nha ve sinh benh vien nao ban, giam doc o ban
 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Giải pháp được Bộ trưởng Y tế đề cập gồm ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong khám chữa bệnh, ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức đánh giá độc lập, chấm điểm, xây dựng nhiều bệnh viện mới, đặc biệt tuyến tỉnh, tuyến huyện, và tuyến trung ương…
Nói về vấn đề tiêu chuẩn nhà vệ sinh bệnh viện, tổ chức "Ngày nhà vệ sinh bệnh viện", Bộ trưởng Tiến cho biết, rất quyết liệt vấn đề này, vấn đề rửa tay trong bệnh viện.
“Những vấn đề nhỏ nhưng rất quyết định đối với chất lượng bệnh viện. Nếu bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là Giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào mà để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, trưởng khoa đó ở bẩn”, Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ trưởng Tiến cũng cho biết, thời gian qua cũng xử lý kỷ luật khoảng 10 ngàn cán bộ y tế từ tuyến xã lên trung ương với các hình thức kỷ luật cho đến nghỉ việc và chuyển việc.
“Phải nói những quyết liệt đó và cũng lắp camera ở các khoa khám bệnh và những nơi mà có thể xảy ra những vấn đề, có thái độ”, bà Tiến nói.
Bộ trưởng Tiến cho rằng , sự hài lòng của người bệnh trong khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt, song thực trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương vẫn cao và "ngành y đã nỗ lực nhưng chưa cải thiện như mong muốn".
“Nguyên nhân ở đây là người dân bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh, không tin tưởng tuyến dưới”, Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ trưởng Tiến lấy ví dụ, điển hình như dịch tay, chân, miệng vừa qua thì độ 1, độ 2 đáng lẽ là ở nhà cũng vào trong viện nằm và gây sự quá tải không cần thiết, gây nhiễm trùng chéo và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tăng tỉ lệ tử vong đối với bệnh nhân nặng. Nguyên nhân là người dân chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới.
Bộ trưởng Tiến cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân trong đó cơ chế tài chính chưa thể đủ chi trả để có đủ chất lượng cán bộ, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều giữa các miền.
Giải pháp “kiềng ba chân” của ngành y tế
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, giải quyết bằng giải pháp "kiềng ba chân".
Thứ nhất, chân trái là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn đang khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh, bởi nếu bị nặng thì chữa rất khó và vào bệnh viện rất tốn kém và nằm lâu.
“Chúng tôi đang xây dựng mẫu 26 mô hình điểm giống như mô hình của các nước đang phát triển một cách toàn diện cả con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nhân lực. Đối với các nước có thu nhập bình quân khoảng 15.000 - 17.000 đôla, họ mất 10 năm mới xây dựng tương đối mô hình này. Nhưng Việt Nam chúng ta sẽ phấn đấu với mức thu nhập GDP khoảng 2.500 - 3.000 trong 10 năm”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói và mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt hai ODA đang xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu, vùng xa.
Chân kiềng thứ hai bên phải đó là khi bị bệnh, vào bệnh viện phải được chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh.
“Sắp tới Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám, chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe có thể khám, kiểm tra tại Việt Nam giống như chất lượng của nước ngoài”, bà Tiến cho biết.
Bộ trưởng Tiến cũng mong muốn một ngày không xa những người nước ngoài công tác tại Việt Nam và người Việt Nam không phải ra nước ngoài mà chữa tại Việt Nam.
Chân kiềng thứ ba, theo Bộ trưởng Tiến không thể không có đó là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng.
Bộ trưởng Tiến đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế. 6 năm ra trường phải học thêm 1 năm nữa là internhip, tức là phải thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề, với đánh giá của Hội đồng giáo dục quốc gia độc lập, sau đó học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề, như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và theo mô hình quốc tế.
Đi theo hai hệ, một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu, còn hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành. Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ.
Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN