Liên quan việc đưa Đoàn Thị Hương trở về nước đang gây bức xúc dư luận khi mà hình ảnh cô này xuất hiện như minh tinh, tại buổi họp báo Chính phủ, PV đặt câu hỏi về việc Bộ Ngoại giao đã lên kế hoạch đưa Đoàn Thị Hương về nước như thế nào? Việc cô này xuất hiện một cách rạng rỡ, rình rang, gây phản cảm trong dư luận như vậy thì trách nhiệm của Bộ Ngoại giao hay của đơn vị nào?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, khi Malaysia thông báo với Việt Nam về vụ việc của công dân Đoàn Thị Hương, phải đánh giá trong quá trình tố tụng pháp luật của Malaysia, vai trò của đoàn luật sư của Việt Nam, đặc biệt với chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, sự tham gia của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, rất tích cực trong vấn đề này.
|
Đoàn Thị Hương được đón tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam |
“Khi Đoàn Thị Hương được toà án Malaysia công bố trả tự do và trở về nước thì có thể nói đây là một thắng lợi trong quá trình bảo hộ công dân của chúng ta với sự can thiệp của Chính phủ, các cơ quan chức năng và đoàn luật sư”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc đón Đoàn Thị Hương được Thủ tướng giao cho Bộ Ngoại giao làm cơ quan chủ trì phối hợp tổ chức việc này.
“Không đặt vấn đề phải đón rước, cũng không đặt vấn đề giao cho ai đón, đây đơn thuần là công dân Đoàn Thị Hương về nước. Còn trong quá trình về, những vấn đề nhạy cảm như ăn mặc, nói năng, nụ cười, có thể thấy rằng đây là cảm xúc ai cũng có, không thể đánh giá khác được”, ông Mai Tiến Dũng nêu ý kiến.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải bảo hộ công dân, không chỉ trong trường hợp của Đoàn Thị Hương mà tất cả công dân khác ở nước ngoài.
“Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành khi thấy rằng công dân có những điều cần can thiệp để bảo hộ, thì đây là trách nhiệm của Chính phủ. Nếu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không có giải pháp mạnh như vậy thì công dân sẽ không đồng tình. Vì vậy, đây là thành công trong công tác bảo hộ công dân của chúng ta”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Đoàn Thị Hương được trả tự do ngày 03/5/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi vui mừng trước việc công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương đã được trả tự do và trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình”.
“Đây là kết quả của các nỗ lực bảo hộ công dân của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư của Việt Nam cùng các luật sư người Malaysia. Đồng thời, chúng tôi ghi nhận các cơ quan chức năng Malaysia thời gian qua đã tích cực giải quyết vụ việc”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Tại phiên xét xử công dân Đoàn Thị Hương ngày 1/4/2019, Thẩm phán tòa Thượng thẩm Shah Alam của Malaysia đã tuyên án 3 năm 4 tháng tù đối với Đoàn Thị Hương liên quan đến vụ án một công dân Triều Tiên tên Kim Chol, người được cho là anh trai của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur vào ngày 14/02/2017 bằng chất độc thần kinh VX.
Tại phiên tòa này, công tố viên Malaysia cho biết đã xem xét và chấp nhận các biện hộ của Luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương, do vậy, công tố viên đã thay đổi cáo trạng từ tội danh giết người thành “gây thương tích”.
Sau khi được thả khỏi nhà tù Malaysia, chuẩn bi về Việt Nam, Đoàn Thị Hương đã viết thư cảm ơn Chính phủ hai nước Malaysia, Việt Nam cũng như các luật sư và những người đã luôn ủng hộ, giúp đỡ cô.
Trong thư, Đoàn Thị Hương cho biết, cô rất cảm ơn Chính phủ Malaysia. Cô cũng nói rằng nhà tù nữ Kajang thuộc bang Selangor, Malaysia, đã chăm sóc cô rất tốt trong quá trình cô bị giam giữ tại đây. Đoàn Thị Hương đã gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, các luật sư và truyền thông đã luôn sát cánh và ủng hộ cô