Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải nguyên nhân người Việt Nam thông minh và chịu khó nhưng năng suất lao động không thoát khỏi vùng trũng ASEAN và ngang bằng các nước thế giới?
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
|
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam, nhưng có 2 vấn đề chính là yếu tố vốn và kỹ năng, trình độ người lao động. Bộ trưởng chưa đồng tình với nhận định năng suất lao động Việt Nam thấp hơn so với Campuchia. Bộ trưởng phân tích, lực lượng lao động Việt Nam đang phân bố khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thì thấp. Hơn nữa, quy mô lao động Việt Nam rất lớn, do đó cũng một công việc ấy đáng lẽ một người làm nhưng san sẻ 2-4 người làm nên tỷ lệ thất nghiệp không cao.
Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng cho biết giải pháp thời gian tới là cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao; hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.
Về thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý 1/2023 là 7.9 triệu đồng, tăng 2.6 % so với quý 4/2022. Bộ trưởng nhận xét, các doanh nghiệp đã cố gắng; doanh nghiệp, người lao động cũng san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. Tuy nhiên, có thể thấy lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chưa đồng tình với nhận định năng suất lao động Việt Nam thấp hơn so với Campuchia
|
Giải pháp cho vấn đề này cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra: Tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập của đời sống. Đà tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Chăm lo đời sống phúc lợi,thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục dành cho phụ nữ, người thân trong gia đình. Tăng cường kết nối giới thiệu việc làm, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, đào tạo…
Phát biểu tranh luận tại hội trường về vấn đề năng suất lao động, đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu rõ, năng suất lao động thấp còn do một nguyên nhân nữa là do tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp. Thay vì một cá nhân chịu trách nhiệm về việc đó thì chúng ta sẽ tổ chức cuộc họp. Vì vậy, đại biểu Bế Trung Anh cho rằng, năng suất lao động của nước ta chỉ bằng 1/10 số lượng người tham gia cuộc họp đó. Do đó, khi nhìn nhận nguyên nhân còn thiếu từ quy trình, thủ tục giải quyết công việc thì chúng ta triệt tiêu ngay giải pháp phối hợp với các bộ, ngành khác để có giải pháp tốt hơn trong việc nâng cao năng suất lao động.
Về băn khoăn của đại biểu đánh giá tình trạng thất nghiệp (2.25%) có sát với tình hình thực tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam "là thấp". "Đánh giá này hoàn toàn khách quan, khoa học, dựa trên tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra", ông Dung nói.
Theo ông, tỷ lệ thất nghiệp dựa trên cơ sở người lao động có nhu cầu làm việc nhưng không có việc làm hoặc không làm việc một giờ trong tuần; họ sẵn sàng làm việc nhưng không có việc làm, đang tìm việc. Tổng cục thống kê Việt Nam đang mở rộng thêm một số tiêu chí.
Việt Nam thiếu một triệu lao động lĩnh vực công nghệ thông tin
Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (Đăk Lăk) nói cả nước đang thiếu khoảng một triệu lao động công nghệ thông tin. "Trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia hiện nay, giải pháp nào để bù đắp lực lượng còn thiếu này. Hệ thống các trường dạy nghề hiện nay đáp ứng được ở mức độ nào?", bà đặt câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam có lợi thế lớn trong phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì Việt Nam vẫn thiếu lực lượng. Thủ tướng cũng đề ra 5 giải pháp để khắc phục, trong đó các đại học mở Khoa Công nghệ Thông tin, 45 trường giáo dục chất lượng cao cũng mở các khoa về lĩnh vực này.
"Ta sẽ có kế hoạch bài bản để bổ sung lực lượng cho kịp yêu cầu, đảm bảo nhanh chóng chuyển đổi số", ông Dung nói.