Bộ trưởng Công an: Năm 2022 nổi lên các sai phạm về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 8/11, Bộ trưởng Công an Đại tướng Tô Lâm đã trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 tại chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trong năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch COVID-19...

Theo Đại tướng Tô Lâm, cơ quan công đã điều tra, khám phá 35,438 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỉ lệ 86.94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95.12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96.27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đã triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" tạo được chuyển biến tích cực...

Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Trong đó, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" chuyển hướng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi dưới dạng hợp đồng thế chấp tài sản, hỗ trợ tài chính, vay tiền qua ứng dụng trên các nền tảng điện thoại di động, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Bo truong Cong an: Nam 2022 noi len cac sai pham ve chung khoan, trai phieu doanh nghiep

Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022

Theo báo cáo của Chính phủ, số vụ xâm hại trẻ em tuy giảm song còn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, số vụ cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em tiếp tục có xu hướng gia tăng, một số vụ xảy ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.

Chính phủ nêu rõ tội phạm mua, bán người (tăng 10.26%) có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi mở cửa biên giới, nhất là lừa bán người sang Campuchia lao động cưỡng bức.

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ nêu rõ đã phát hiện 5,117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế.

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán (vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA), phát hành trái phiếu doanh nghiệp (vụ án liên quan tập đoàn Tân Hoàng Minh)

Bên cạnh đó là các sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

"Tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, thuế lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh..." - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ cũng nhận định trong năm 2022, tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vắc-xin, xét nghiệm COVID-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi...

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người, lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng...

Trong khi đó, công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao. Tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam tuy giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp. Trật tự an toàn xã hội còn một số mặt phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông tăng, xảy ra một số vụ cháy làm chết nhiều người...

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo Chính phủ là do đại dịch COVID-19 đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.

Theo Chính phủ, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa phát huy tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Về kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra theo tố tụng...

Nhật Quang/FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN