Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng vụ công ty của đại gia Jonathan Hạnh Nguyễn xin dừng cấp phép bay

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc dừng cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo - Công ty con của IPP Group do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch.
Cụ thể, theo công văn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xin dừng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo nêu rõ, ngày 15/11, Cục Hàng không Việt Nam có công văn báo cáo Bộ GTVT về việc Công ty cổ phần IPP Air Cargo đề nghị dừng xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Bo GTVT bao cao Thu tuong vu cong ty cua dai gia Jonathan Hanh Nguyen xin dung cap phep bay
 Ảnh minh họa.
Theo báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần IPP Air Cargo rút hồ sơ và xin dừng thủ tục cấp giấy phép với lý do đánh giá mới của doanh nghiệp trước "tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động về giá nhiên liệu và nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng".
"Như vậy, đề nghị rút hồ sơ và dừng thủ tục cấp giấy phép là mong muốn chủ quan của doanh nghiệp, không liên quan đến quá trình tiếp nhận hồ sơ, xem xét thẩm định hồ sơ từ Cục Hàng không Việt Nam đến Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ", Bộ GTVT nêu trong văn bản báo cáo.
Theo Bộ GTVT, phí thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đã qua bước tổ chức thẩm định tại Cục Hàng không Việt Nam và báo cáo Bộ GTVT kết quả thẩm định nên không được hoàn trả lại, vẫn nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Số tiền được phong tỏa trong ngân hàng để làm vốn điều lệ (300 tỷ đồng) sẽ được giải tỏa theo đề nghị giải tỏa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo kèm theo một trong các giấy tờ sau: giấy phép do Cục Hàng không Việt Nam cấp; hoặc thông báo từ chối cấp giấy phép của Cục Hàng không Việt Nam; hoặc văn bản của phía Công ty IPP về việc không tiếp tục xin giấy phép.
Đề nghị xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không của Công ty cổ phần IPP Air Cargo tại Công văn số 127-22/CV-IPPAC nêu trên về cơ bản đã được Cục Hàng không Việt Nam xem xét, xử lý theo quy định.
"Trong thời gian tới, khi thị trường vận tải hàng không thế giới, trong nước có sự hồi phục, ổn định và IPP Air Cargo có nhu cầu xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không mới thì IPP Air Cargo phải thực hiện nộp lại hồ sơ cấp phép từ đầu, theo đúng chủ trương và quy định của nhà nước tại thời điểm nộp hồ sơ", lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, Bộ GTVT nhận được văn bản số 127-22/CV-IPPAC của Công ty cổ phần IPP Air Cargo (của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn) với đề nghị xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.
Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Chủ tịch IPP Air Cargo đã cam kết, Công ty sẽ áp dụng theo điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước.
IPP Air Cargo được cho là đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF, trong đó có 1 chiếc đã xuất xưởng hồi cuối tháng 7/2022 chỉ chờ hoàn thiện thủ tục, giấy phép để về Việt Nam. Theo kế hoạch, mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh... tới trung tâm vận chuyển hàng hóa Hà Nội, TP HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu...
>>> Mời độc giả xem thêm video Nữ tiếp viên hàng không là Fashionista giàu có, lại có chồng đại gia hết mực yêu chiều
  
Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN