Trong đó, HĐND tỉnh Bình Thuận đã thảo luận thông qua Nghị quyết Quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác; chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, tình hình gây, nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng, đa số phát triển tự phát, có nhiều nhà yến xây dựng xen kẽ trong khu dân cư, phát sinh tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nhưng chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.
|
Cơ sở nuôi chim yến của ông Ba Kế trên địa bàn xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc. (Ảnh: Phạm Giang) |
Việc di dời các cơ sở chăn nuôi có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi (và chấm dứt hoạt động) nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường sống cho người dân là cần thiết.
Kinh phí hỗ trợ việc di dời, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành. Theo đó, chính sách hỗ trợ khi chấm dứt hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi (không bao gồm cơ sở nuôi chim yến) được thực hiện theo nguyên tắc:
Mỗi cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết này chỉ được hỗ trợ một lần. Hỗ trợ được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc sau khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2025. Chính sách quy định tại điều này không áp dụng đối với trường hợp các cơ sở chăn nuôi hợp tác, liên kết với Doanh nghiệp/Công ty (chăn nuôi gia công hoặc cho thuê trại)…
Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ di dời hoặc chấm dứt hoạt động đáp ứng các yêu cầu: Cơ sở chăn nuôi có quy mô chăn nuôi từ 01 đơn vị vật nuôi trở lên (số đầu con gia súc, gia cầm trên đơn vị vật nuôi áp dụng theo Phụ lục V Hệ số đơn vị vật nuôi và công thức chuyển đổi theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP) đang hoạt động trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành trong khu vực không được phép chăn nuôi. Thực hiện việc di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt chăn nuôi (không di dời) trước ngày 01/01/2025.
Về nội dung và mức hỗ trợ khi các cơ sở chăn nuôi di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi: Đối với cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại tường xây gạch, nền bê tông hoặc láng xi măng, mái lợp tôn hoặc ngói sau khi thực hiện di dời được hỗ trợ 200.000 đồng/m2 sàn chuồng trại tại thời điểm thực hiện di dời, nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi. Đối với cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại làm bằng khung gỗ, nền đất, mái lợp tôn hoặc che lát vật liệu tạm sau khi thực hiện di dời được hỗ trợ 100.000 đồng /m2 sàn chuồng trại tại thời điểm thực hiện di dời, nhưng không quá 100 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.
Nội dung và mức hỗ trợ khi các cơ sở chăn nuôi chấm dứt hoạt động (không di dời): Các cơ sở chăn nuôi khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi (không di dời) trước ngày 01/01/2025 được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 01 đơn vị vật nuôi đến dưới 05 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 2,34 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 05 đơn vị vật nuôi đến dưới 10 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 3,51 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi có quy mô trên 10 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 4,68 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.
Trên cơ sở thảo luận tại phiên họp, 100% đại biểu HĐND tỉnh dự họp đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác; chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.