Ngày 28/12, ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn có 112 doanh nghiệp (với 30.356 lao động) báo cáo chính thức về tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương.
Trong đó, có 8 đơn vị, Công ty TNHH Một Thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; 85 doanh nghiệp dân doanh và 15 doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, ở khu vực Nhà nước, tiền lương thực trả của người lao động trong năm 2023 bình quân 10,069 triệu đồng/người/tháng (tăng 0,48% so với năm 2022).
Mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất ở khu vực này là 23 triệu đồng (giảm 42,5% so với năm 2022), thấp nhất 1 triệu đồng (tăng 50% so với năm 2022). Thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 10 triệu đồng, thấp nhất là 500 nghìn đồng. Tất cả các đơn vị, doanh nghiệp đều có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Âm lịch.
Đối với khu vực có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, tiền lương thực trả của người lao động trong năm 2023 bình quân 9,595 triệu đồng/người/tháng (tăng 5,17% so với năm 2022).
Tiền thưởng Tết Âm lịch cao nhất ở khu vực này là 15 triệu đồng (giảm 37,5% so với 2022), thấp nhất 500 nghìn đồng. Thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 3 triệu đồng, thấp nhất 500 nghìn đồng. Cả 4 doanh nghiệp đều có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Âm lịch.
Đối với khu vực dân doanh, tiền lương bình quân ở khu vực này là 7,471 triệu đồng/người/tháng (tăng 2,68% so với năm 2022).
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, trong năm 2023, mặc dù nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, nhưng tại khu vực này tiền lương bình quân của người lao động không giảm so với năm 2022.
Theo đó, tiền lương cao nhất là 76,3 triệu đồng (tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội), tiền lương thấp nhất là 2 triệu đồng/người/tháng (do làm không đủ ngày công trong tháng).
Về thưởng Tết Âm lịch, giữa các doanh nghiệp có sự chênh lệch mức thưởng rất lớn. Thưởng cao nhất khu vực này là 170 triệu đồng tại Công ty CP Việt - Pháp Sản Xuất Thức Ăn Gia Súc - Chi Nhánh Bình Định (tăng 31,78% so với năm 2022) và thấp nhất là 200 nghìn đồng; có 21 doanh nghiệp có mức thưởng từ 20 triệu đồng trở lên.
Về thưởng Tết Dương lịch, cao nhất là 68 triệu đồng tại Công ty CP Việt - Pháp Sản Xuất Thức Ăn Gia Súc - Chi Nhánh Bình Định (giảm 20,93% so với năm 2022) và thấp nhất là 50 nghìn đồng; có 18 doanh nghiệp không có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch.
Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương thực trả cho người lao động giảm nhiều so với cùng kỳ, bình quân hơn 8,5 triệu đồng (giảm 36,08% so với năm 2022). Mức tiền lương cao nhất là 187 triệu đồng/người/tháng (tại Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam).
Về thưởng Tết Âm lịch, có 9 doanh nghiệp có mức thưởng từ 25 triệu đồng trở lên, trong đó mức cao nhất tại Công ty TNHH Ninja Q với 250 triệu đồng (tăng 63% so với năm 2022), mức thấp nhất là 300 nghìn đồng; có 2 doanh nghiệp chưa có dự kiến thưởng Âm lịch tại khu vực này.
Thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 71 triệu đồng (tại Chi Nhánh công ty TNHH De Heus tại Bình Định), thấp nhất là 100 nghìn đồng và có 8 doanh nghiệp chưa có dự kiến thưởng.
Ông Phụng còn thông tin, trong 112 doanh nghiệp gửi báo cáo Sở, không có doanh nghiệp nợ lương người lao động.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định còn cho hay, số lượng các doanh nghiệp báo cáo về tình hình thực hiện tiền lương, tiền thưởng cho người lao động còn ít nên chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình tiền lương năm 2023 và tình hình thưởng Tết Nguyên đán ở các doanh nghiệp.
"Nhiều doanh nghiệp báo cáo chưa thật sự đầy đủ, chính xác tình hình thực hiện tiền lương, tiền thưởng ở đơn vị mình. Nhiều doanh nghiệp tuy có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động nhưng không muốn công bố sớm hoặc né tránh việc báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước", ông Phụng nhận định.