Hoạt động “chui”
Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế do Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố mới đây, ông Trần Anh Đức - chủ Hộ kinh doanh Dr Meso (Dr. Meso Clinic, số 132/2 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận) - bị xử phạt 149,5 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 54,5 triệu đồng.
Cơ sở Dr. Meso Clinic có nhiều hành vi vi phạm là khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Ngoài ra, cơ sở này còn ngang nhiên quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
Ngoài phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở Dr. Meso Clinic cho đến khi có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và người hành nghề có chứng chỉ hành nghề; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
|
Dr. Meso Clinic khai trương từ giữa tháng 11/2022, được đăng tải trên mạng xã hội TikTok. Ảnh chụp màn hình. |
Theo tìm hiểu, hộ kinh doanh Trần Anh Đức (số 132/2 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM) hoạt động ngày 22/3/2023, mã số thuế 8432116398-001, do ông Trần Anh Đức (sinh năm 1994, Bến Tre) làm đại diện.
"Biến mất" sau khi bị xử phạt?
Sau khi có thông tin Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt, đình chỉ hoạt động, sáng 24/1, PV có mặt tại địa chỉ số 132/2 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM. Cửa vẫn mở (1 cánh), bảng hiệu “Dr. Meso Clinic” đã biến mất, thay vào đó là thương hiệu mới tên "Skin Plus For Men", nhưng trên bảng hiệu vẫn giữ lại số điện thoại cũ là 0356033xxx.
Nói về cơ sở làm đẹp Dr. Meso Clinic, một người dân gần đó cho biết: “Cơ sở này hoạt động từ lâu. Trước đây, cơ sở rất đông khách, gần đây lại vắng, vừa rồi thấy có đoàn liên ngành, bao gồm cả công an, xuống kiểm tra giấy phép của cơ sở”.
Trong vai khách hàng muốn làm dịch vụ thẩm mỹ về da mặt cho con gái tại Dr. Meso Clinic, PV liên hệ vào số 0356033xxx trên bảng hiệu. Người nghe điện thoại xác nhận Dr. Meso Clinic “đổi tên” thành Skin Plus For Men. Địa chỉ 132/2 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận do vắng khách nên tạm thời đóng cửa, dồn sang cơ sở 1 tại địa chỉ 85 Hoa Lan, quận Phú Nhuận.
Người nghe điện thoại cũng hướng dẫn PV đưa “bệnh nhân” đến địa chỉ 132/2 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, sẽ cho người về khám.
|
“Dr. Meso Clinic” được thay bằng bảng hiệu có tên "Skin Plus For Men" nhưng vẫn giữ lại số điện thoại cũ. Ảnh: Hữu Thông. |
Thẩm mỹ "chui" nở rộ
Nhận định về tình hình thẩm mỹ "chui", Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, thời gian gần đây, cơ sở thẩm mỹ "chui" nở rộ ở TP HCM và một số tỉnh, gây ra hàng loạt trường hợp tai biến nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Đặc biệt, loại hình thẩm mỹ "chui"; khám, chữa bệnh không phép, trái phép quảng bá công khai trên mạng xã hội, tư vấn qua Zalo và thực hiện tại các căn hộ, khách sạn hay nhà riêng…, gây ảnh hưởng trực tiếp đời sống xã hội, an ninh trật tự, an toàn đời sống dân sinh,… trên địa bàn TP HCM.
Đáng chú ý, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế có sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp, hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, cũng như Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP HCM).
Các đối tượng thực hiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ lén lút tại các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, các khách sạn và cơ sở lưu trú (căn hộ, chung cư…).
Các cơ sở khám, chữa bệnh không phép hoạt động lén lút và có tính chất đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, như thay đổi biển hiệu, giải thể cơ sở cũ thành lập cơ sở mới, đổi tên chủ sở hữu cơ sở…
Một số cơ sở, phòng khám vẫn cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động; một số cơ sở, phòng khám vẫn lén lút hoạt động dù đã bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt đình chỉ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.
Một số người không có chứng chỉ hành nghề nhưng lên mạng quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ; khi khách hàng quan tâm và hỏi thông tin thì dẫn dắt đến cơ sở của mình (không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh).
Đầu năm 2024, Sở Y tế TP HCM đã ban hành kế hoạch công tác kiểm tra, trong đó kiểm tra về công tác khám, chữa bệnh có 11 chuyên đề, bao gồm kiểm tra chuyên đề về thẩm mỹ, làm đẹp.
Ngoài ra, các đợt kiểm tra đột xuất với trọng tâm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm trong quá trình hoạt động của phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định…
Trước thực trạng quảng cáo trái phép trên nền tảng mạng xã hội, trong năm 2024, Sở Y tế TP HCM tiếp tục phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, kiên quyết xử lý trang tin, cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội có hành vi vi phạm về quảng cáo, đặc biệt vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ.
Đồng thời, Sở Y tế TP HCM kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể các nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng (Internet, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo...)
Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng nhìn nhận, trong bối cảnh hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế sử dụng công nghệ cao và lợi dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, việc truy vết người có hành vi vi phạm trên không gian số khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Liên quan việc các cơ sở làm đẹp, khám, chữa bệnh liên tiếp bị xử phạt, luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp vi phạm hành chính trong quá trình hoạt động, bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị tước giấy phép hoạt động nhưng sau đó lại tiếp tục hoạt động và tiếp tục vi phạm diễn ra khá phổ biến. Điều này xuất phát từ mức xử phạt chưa tương xứng, số tiền xử phạt còn nhẹ nên các đơn vị vi phạm thường không e ngại việc vi phạm.
Luật sư Lập kiến nghị, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, đặc biệt là liên tục theo dõi đối với các cơ sở đã có những vi phạm hoặc đang trong tình trạng bị đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép; tăng cường công tác kiểm tra thực tế thay vì quản lý hồ sơ giấy phép. Đồng thời, cần xây dựng quy định dán các thông báo tại trụ sở của các đơn vị vi phạm để người đến sau không bị lừa.
“Về mặt luật pháp, một doanh nghiệp vi phạm để lại hậu quả nghiêm trọng, doanh nghiệp/cơ sở đó có thể đối mặt việc bị khởi tố vụ án hình sự với tội danh tương ứng. Người chịu trách nhiệm trong trường hợp này là người đứng đầu, trực tiếp thực hiện hành vi, giúp sức. Riêng đối với đơn vị đang vi phạm về hành chính mà có hành vi vi phạm bị khởi tố hình sự, đó là cơ sở để xem xét tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc xem xét lượng hình trong quá trình tòa án tiến hành xét xử vụ án”, Luật sư Lập nói thêm.