Khoa cấp cứu ở bệnh viện là nơi luôn căng thẳng, đầy nỗi lo lắng lại thiếu những giao tiếp, những lời giải thích cần thiết.
Tôi từng nhiều lần đưa người thân đi cấp cứu tại bệnh viện nên cũng hiểu phần nào nỗi vất vả của nhân viên y tế. Khi khoa cấp cứu quá tải càng vất vả hơn. Người nuôi bệnh cũng phàn nàn nhiều hơn.
Chuyện ở khoa cấp cứu
Chuyện tôi chứng kiến trong lần chăm sóc người nhà bị đột quỵ tại một bệnh viện đa khoa ở TP.HCM. Giữa đêm, hai người tốt bụng đưa một thanh niên bị tai nạn giao thông bất tỉnh giữa đường vào viện, chưa liên hệ được người thân của bệnh nhân.
Khi bác sĩ trực khoa cấp cứu thăm khám, tôi cứ ngỡ trường hợp của anh bị nặng chắc chắn được ưu tiên điều trị trước. Thế nhưng các nhân viên y tế đã yêu cầu hai người đưa anh đến bệnh viện khai thông tin cá nhân và đóng tiền tạm ứng.
Khổ nỗi trong người bệnh nhân không có lấy một đồng, điện thoại cũng không còn. Hai người đưa anh đến bệnh viện đều là tài xế xe ôm, cũng chẳng giúp anh được gì ngoài lòng tốt. Bệnh nhân phải nằm chờ...
|
Bệnh nhân được chuyển vào khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Gần sáng tôi mới thấy người nhà của anh hớt hải chạy vào làm thủ tục. Tối đó, anh có nói đi uống bia với bạn, đến khuya vẫn chưa thấy anh về, gọi điện thoại cũng không liên lạc được.
Hỏi người bạn cùng nhóm mới biết anh chạy xe về một mình trên đường Đặng Văn Bi (Thủ Đức). Tiếp tục "lần theo dấu vết" thì nghe tin anh tự té xe và được người đi đường chở vào bệnh viện.
Tai nạn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cách làm việc quá cứng nhắc của kíp trực hôm ấy dễ khiến người ta hiểu thành câu chuyện bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân nên gia đình bức xúc.
Lần khác, ở một bệnh viện quận, tôi chứng kiến hai ca bệnh cùng là đau ruột thừa, một bệnh nhân đã hơn 70 tuổi vào trước, bệnh nhân đến sau mới 25 tuổi. Bác sĩ quyết định cho bệnh nhân trẻ hơn được mổ trước.
Người nhà của bệnh nhân cao tuổi phản ứng gay gắt, cho rằng có lẽ do quen biết hoặc nhờ "lót tay" nên người kia mới được ưu tiên. Thật ra bệnh nhân trẻ được mổ trước do ruột thừa đã bị vỡ, nếu chậm hơn sẽ rất nguy hiểm.
Tiếc rằng những y bác sĩ ở đó chỉ im lặng làm công việc của mình, quá kiệm lời, không giải thích với thân nhân và cũng không động viên người bệnh trong lúc sự lo lắng được đẩy lên đến mức nóng nảy, khó kiềm chế, kéo theo nhiều chuyện không hay. Và thực tế không ít người nuôi bệnh đã làm ầm ĩ tại khoa cấp cứu. Không ít y bác sĩ phải hứng chịu những cơn thịnh nộ từ người nhà bệnh nhân.
Để khoa cấp cứu bớt "căng"
Thêm một bệnh nhân qua đời sau thời gian chờ đợi ở khoa cấp cứu lại thêm bức xúc xung quanh câu chuyện chuyên môn, thái độ và trách nhiệm của y bác sĩ.
Công tâm mà nói, không khí ở khoa cấp cứu luôn căng thẳng. Bệnh nhân đau đớn, chảy máu, có khi bất tỉnh. Thân nhân lo âu, sốt ruột.
Y bác sĩ cũng rất căng thẳng, bệnh nhân đủ dạng bệnh, mức độ nặng nhẹ có đủ. Những ngày cao điểm hoặc lễ tết, bệnh nhân tăng bất thường càng căng thẳng hơn.
Về chuyên môn, không ai hiểu bệnh tình của người bệnh bằng các y bác sĩ. Nhưng bệnh nhân ở nơi này là bệnh nhân mới đến, nhiều khi chưa kịp thăm khám kỹ, nhiều bệnh có thể biến chứng bất ngờ.
Bệnh nhân qua đời tại đây cũng nhiều cùng những "nghi ngờ" về y đức, chuyên môn luôn thường trực với thân nhân khi thấy người nhà mình trở nặng và bác sĩ có vẻ quan tâm chưa đúng mực.
Chuyên môn và thái độ
Một lần con tôi bị lồng ruột, cháu nôn ói suốt từ sáng đến chiều. Đưa con vào bệnh viện nhi đồng, bác sĩ khám và nói bị rối loạn tiêu hóa rồi ghi đơn thuốc, dặn mua thuốc rồi về. Tôi dẫn con ra tới cửa rồi tự nhiên bác sĩ kêu quay lại, cho giấy đi siêu âm cho chắc. Qua siêu âm đã phát hiện trẻ bị lồng ruột, phải chuyển qua cấp cứu gấp. Lỡ hôm đó bác sĩ để cho về luôn, không biết chuyện gì xảy ra nữa. Hơn 2 năm rồi, nhớ lại tôi vẫn còn sợ. Nhưng cũng may, sự thận trọng và thái độ tận tình của bác sĩ đã kịp thời chữa một lỗi sai chuyên môn. Và chúng tôi cảm ơn những bác sĩ như vậy. Hằng (hangbvt@...)
Một cử chỉ, một lời giải thích của y bác sĩ có tác dụng hơn cả "thần dược", giúp bệnh nhân vơi đi đau đớn và người thân của họ cũng thông cảm. Thế nhưng số lượng bệnh nhân cấp cứu ở bệnh viện tuyến trên ngày càng tăng.
Như Tuổi Trẻ đưa tin (ngày 17-7), có những bệnh viện tiếp nhận 400 ca cấp cứu mỗi ngày, mỗi ca trực đến 10 bác sĩ nhưng luôn trong tình trạng quá tải đến gấp đôi công suất. Công việc căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân khiến việc thăm khám bệnh nhân nhanh hơn, y bác sĩ càng kiệm lời hơn nữa và khả năng sai sót chuyên môn có thể cao hơn.
Giải pháp nào cho thực tế này? Như cách "dán màu bệnh nhân" tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sẽ phân chia mức độ bệnh nặng nhẹ là một giải pháp tốt.
Nhưng giải pháp cần hơn là tăng nhân lực, trang bị cơ sở vật chất hiện đại hơn ở những nơi quá tải cấp cứu. Tôi tâm đắc "nguyên tắc 4 giờ" các nước đã làm, nguyên tắc này buộc bộ phận cấp cứu bằng mọi cách giải quyết nhanh nhất phần việc của mình để chuyển bệnh nhân đến các khoa nhanh nhất.
Những chuyện này chưa thể thay đổi nhanh chóng được. Tuy nhiên, điều có thể đổi mới là thái độ thân thiện hơn cùng những thông tin, lời giải thích rõ ràng hơn của y bác sĩ dành cho bệnh nhân là điều có thể làm được sớm hơn. Đó là cách để khoa cấp cứu bớt phần căng thẳng và lạnh lùng.
Ứng xử thân thiện hơn
Cần nhìn nhận thực tế nhiều người nhà bệnh nhân cũng có hành động thái quá, góp phần gây lộn xộn khu vực này, ảnh hưởng công việc của y bác sĩ (vì ai cũng sốt ruột, cho rằng người nhà mình bệnh nặng hơn, cần chăm sóc trước và nhiều hơn).
Ở bộ phận cấp cứu và cả bộ phận chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện, hầu hết người nhà không được vào với người thân của mình, không biết thông tin gì về bệnh tình người nhà mình đến khi được chuyển xuống khoa.
Ở góc độ người nuôi bệnh, tôi cho rằng bộ phận cấp cứu các bệnh viện cần có người làm phần việc giải đáp thắc mắc, hướng dẫn người nuôi bệnh tại đây. Thân nhân có thể được giải thích rõ hơn từ thủ tục hồ sơ đến bệnh trạng khi người nhà thắc mắc, bộ phận này cũng có thể là cầu nối "liên lạc" giữa người bệnh và thân nhân bên ngoài khi cần thiết. Và ứng xử thân thiện, lịch sự cũng cần từ những người nuôi bệnh. (NGỌC HẠNH)