Sau gần một ngày bị cách ly, lúc 11h ngày 23/7, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, được Hội đồng xét xử (HĐXX) đưa trở lại phòng xử án.
|
Bị cáo Trịnh Văn Quyết. |
Trước tòa, ông Quyết thừa nhận mọi cáo buộc trong cáo trạng cũng như đồng ý với những mô tả về 2 hành vi phạm tội của mình là Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại bục khai báo, ông Quyết xác nhận bản thân chỉ đạo mua lại Công ty GreenBell, nhưng không nhớ mua với giá bao nhiêu.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về mục đích khi nâng khống giá trị công ty, thao túng giá cổ phiếu, ông Quyết khẳng định chưa bao giờ có ý đồ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
"Việc thành lập hay mua lại công ty là để bị cáo thực hiện chủ trương làm về lĩnh vực xây dựng. Bị cáo luôn mong muốn có một công ty xây dựng để chủ động trong các hoạt động đầu tư, xây dựng của hệ thống FLC, thậm chí nếu phát triển tốt hơn sẽ xây dựng cho các dự án ngoài", ông Quyết trình bày.
Trước những câu hỏi về vốn góp thực của Công ty Faros; số tiền thu được sau khi bán cổ phiếu ROS; mục đích sử dụng tiền để làm gì, cựu Chủ tịch FLC đều trả lời không nhớ chính xác và đồng thuận với những nội dung đã có trong cáo trạng.
Ông Quyết cũng xác nhận lời khai của những bị cáo trước đó và khẳng định lời khai của mình là hoàn toàn tự nguyện.
Sau anh trai, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC), khai bản thân chỉ làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì trong vụ án trên.
Bà Huế khai, việc nâng vốn của Công ty Faros là làm theo chỉ đạo của bị cáo Trịnh Văn Quyết.
Tại tòa, bà Huế khai quá trình làm việc, ông Trịnh Văn Quyết đưa cho bị cáo danh sách có nhiều người. Trong đó, ông Quyết đã đánh dấu sẵn mỗi người có số lượng cổ phần là bao nhiêu.
Sau đó bà Huế đánh máy, ghi họ tên, địa chỉ, số lượng và gửi lại cho anh trai. Bên ngoài hồ sơ có ghi "danh sách cổ đông Công ty Faros".
Khi Công ty Faros được niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế thấy anh trai chọn các cổ phiếu tại công ty này để bán.
Song do thời gian đã lâu nên bà Huế không nhớ bán được bao nhiêu tiền. Tiền bán được từ cổ phiếu của Công ty Faros sử dụng theo sự chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết.
Bị cáo Huế khẳng định, việc nâng khống vốn, bán cổ phiếu tại Công ty Faros bà không được hưởng lợi gì.
Đối với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán", bà Huế khai nghe theo lời của Trịnh Văn Quyết đã đi mượn 45 chứng minh thư nhân dân của người thân, người quen để thành lập 20 công ty và mở 500 tài khoản chứng khoán.
"Đầu ngày, anh Quyết sẽ gọi điện, nhắn tin những số tài khoản chứng khoán đã chọn sẵn để giao dịch trong ngày. Sau đó, bị cáo mở máy tính và đặt lệnh những số tài khoản đã chọn. Khi nào anh Quyết nhắn tin mua, bán như thế nào bị cáo sẽ đặt lệnh và gửi lệnh đi. Trong phiên giao dịch, anh Quyết sẽ nhắn tin liên tục và bị cáo thao tác theo những gì anh nhắn", bị cáo Huế khai.
Nữ bị cáo cho biết việc đặt lệnh diễn ra vào mọi khung giờ trong ngày. Khi ông Quyết nhắn tin đặt lệnh ở số tài khoản nào thì tài khoản đó đã có đủ tiền.
Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế trình bày, không biết việc mua bán cổ phiếu thu được bao nhiêu tiền và không được hưởng lợi gì.