Ngày 30/5, TAND tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo thông tin về việc ông Lương Hữu Phước (55 tuổi, hộ khẩu thành phố Đồng Xoài, Bình Phước) nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước.
Ông Phước là bị cáo bị TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử phúc thẩm và tuyên mức án y án sơ thẩm là 3 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” vào sáng 29/5. Đến chiều cùng ngày, ông Phước được phát hiện tử vong trong sân tòa án, nghi nhảy từ tầng 2 xuống đất tự tử. Trước khi tự tử, nạn nhân viết trên trang cá nhân: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ”.
Tại buổi họp báo, thẩm phán Lê Hồng Hạnh, chủ tọa phiên phúc thẩm vụ án Lương Hữu Phước cho rằng, việc tuyên phạt 3 năm tù đối với bị cáo Lương Hữu Phước là đúng pháp luật. Đồng thời khẳng định, đây là một vụ án phức tạp, bị cáo liên tục kêu oan nên những người làm pháp luật rất thận trọng.
|
Bà Lê Hồng Hạnh tại buổi họp báo. Ảnh: PLO. |
Thẩm phán Lê Hồng Hạnh khẳng định đã xác định được lỗi của bị cáo Phước ở đây là qua đường mà không quan sát, vi phạm khoản 2 điều 15 Luật Giao thông đường bộ.
Trả lời câu hỏi của PV về trách nhiệm của Lâm Tươi và Trị Tiếp trong vụ án này, bà Lê Hồng Hạnh cho biết, Lâm Tươi (SN 1997), tại thời điểm điều khiển xe trên 18 tuổi. Việc chưa có giấy phép lái xe đã bị xử phạt về hành vi không có giấy phép lái xe và có nồng độ cồn 0,57mg/lít.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe Lâm Tươi, Lâm Tươi không lấn đường. Do đó, không có việc bỏ lọt tội phạm. Thời điểm đó, Bình Phước rất ít xử lý trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện nên không xử phạt Trị Tiếp.
Bị cáo nhảy lầu tự tử cũng là cách khiếu nại hai bản án
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, sự việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước là phản ứng tiêu cực về hai bản án tòa tuyên.
Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành. Tuy nhiên pháp luật còn quy định hai thủ tục nữa là thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, ngoài ra còn có thủ tục đặc biệt để xem xét lại bản án, quyết định của hội đồng thẩm phán. Do đó, với những vụ án kêu oan luôn còn hi vọng, trừ trường hợp bị cáo bị tuyên án tử hình và phải thi hành án. Thực tế, không ít vụ án tòa tuyên có tội nhưng hàng chục năm sau vẫn được minh oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm.
“Việc ông Phước nhảy lầu tự tử là một phản ứng tiêu cực đối với bản án kết tội ông” – luật sư Cường nêu ý kiến.
|
Hành động nhảy lầu tự tử của ông Phước là phản ứng tiêu cực. |
Luật sư Cường cho rằng, những người phản ứng tiêu cực tìm đến cái chết cho thấy sự bế tắc trên con đường kêu oan. Hành động này sẽ lay động đến suy nghĩ của rất nhiều người hành nghề luật như thẩm phán, luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên và các cán bộ lãnh đạo trong ngành tư pháp.
“Phản ứng tiêu cực như vậy sẽ gây tâm lý không tốt trong xã hội, gây đau buồn cho những người thân trong gia đình họ và ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cần phải có những giải pháp can thiệp, ngăn chặn những hành vi tiêu cực như thế này đối với các bị cáo trong các vụ án kêu oan. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ sự việc, làm rõ bản chất của vụ án này, nếu có sai phạm cần phải sửa chữa, khắc phục kịp thời, nếu oan phải minh oan cho người đàn ông này.” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Cơ quan tiến hành tố tụng cần xem lại hai bản án
Luật sư Cường cho rằng, khi xảy ra sự việc bị cáo nhảy lầu tự tử như trên, cơ quan tố tụng tại địa phương và trung ương sẽ chỉ đạo xem xét lại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để làm rõ những ẩn ức cũng như nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo tự tử ngay tại trụ sở tòa án, sau khi nghe tuyên án phúc thẩm.
Luật sư Cường cho rằng, có cơ sở để TAND cấp cao hoặc VKSND cấp cao xem xét lại hai bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm.
"Có nhiều cách để người bị kết án thể hiện thái độ không đồng ý với bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc người bị buộc tội nhảy lầu tự tử tại tòa án, để phản đối hai bản án đã có hiệu lực pháp luật thì cũng là một cách khiếu nại quyết định hai bản án dù rằng việc khiếu nại này hơi cực đoan và manh động. Ngoài ra theo quy định của pháp luật bất cứ tổ chức, cá nhân nào phát hiện ra bản án có sai sót có thể dẫn đến oan sai thì cũng có thể kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm" – luật sư Cường cho biết.
Do đó, căn cứ vào diễn biến vụ việc trên, qua kiểm tra, thanh tra hoặc có văn bản của người bào chữa đề nghị xem xét lại hai bạn án theo thủ tục giám đốc thẩm thì TAND cấp cao hoặc Viện kiểm sát sẽ tiếp nhận thông tin xem xét lại hai bản án đã có hiệu lực pháp luật này theo thủ tục giám đốc thẩm.
Phân tích vụ án trên, luật sư Cường cho rằng, vụ TNGT dẫn đến ông Quý thiệt mạng là hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, nếu cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy Lâm Tươi hoặc ông Phước có lỗi thiếu chú ý quan sát hoặc không làm chủ tốc độ, người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp có lỗi hỗn hợp, có thể khởi tố hình sự cả hai người điều khiển phương tiện giao thông theo nguyên tắc: Cứ có lỗi trong quá trình tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, điều bất ngờ là Lâm Tươi là người được xác định đã tông xe vào xe của ông Phước dẫn đến hậu quả ông Quý (người ngồi trên xe của ông Phước) tử vong nhưng Lâm Tươi chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 4.000.000 đồng còn ông Phước lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 3 năm tù. Chính điều này đã khiến ông Phước bức xúc và dẫn đến hành động tự tử để phản đối nội dung của bản án.
Theo nội dung các bản án, kết luận điều tra, cáo trạng và diễn biến tại phiên tòa, quan điểm của người bào chữa và nội dung kêu anh của bị cáo cho thấy vụ án này có nhiều nội dung cần làm rõ như sơ đồ hiện trường; các dấu vết thu thập được trên hiện trường; lời khai của người làm chứng; việc bị cáo có bật đèn cảnh báo khi sang đường hay không; xác định bị cáo có nồng độ cồn là đúng thủ tục hay chưa; tốc độ của xe máy do Lâm Tươi điều khiển như thế nào; khoảng cách giữa hai xe khi ông Phước chuyển làn là bao xa ?.... Chính bản án phúc thẩm lần thứ nhất cũng đã chỉ ra nhiều sai sót vi phạm về thủ tục tố tụng, chưa đủ căn cứ để buộc tội đối với bị cáo nên đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Sơ đồ hiện trường vụ án để xác định khoảng cách giữa hai xe trước khi xe của ông Phước chuyển làn là rất quan trọng. Khoảng cách của hai xe sẽ xác định được khả năng quan sát của Lâm Tươi, với khoảng cách đó, Lâm Tươi có đủ thời gian để xử lý tình huống hay không, tốc độ của Lâm Tươi như thế nào đối với khu vực đó?
Theo nội dung lời khai của ông Phước, bị cáo có bật đèn cảnh báo khi chuyển hướng, vậy Lâm Tươi có nhìn thấy hay không? Ông Phước khai rằng có việc đe dọa của cơ quan điều tra và viện kiểm sát, việc này có hay không? Theo nội dung vụ việc thì Lâm Tươi đi với tốc độ 60 km/1giờ, tốc độ này có vượt quá tốc độ cho phép hay không?
Một nội dung rất quan trọng là việc ông Phước sang đường có đảm bảo an toàn hay không, có bật đèn tín hiệu hay không? Trong trường hợp có căn cứ cho thấy ông Phước qua đường đã bật đèn tín hiệu cảnh báo, Lâm Tươi đi quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát nên đã đâm vào xe của ông Phước thì ông Phước không có lỗi và không có căn cứ để kết tội người đàn ông này, khi đó cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lâm Tươi mới đúng pháp luật.
Vấn đề này bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần hai đều chưa rõ, gây tranh cãi tuy nhiên tòa án vẫn kết luận ông Phước có lỗi và kết tội đối với ông Phước, chỉ phạt hành chính đối với Lâm Tươi là chưa thỏa đáng.
Theo luật sư Cường, những nội dung sai sót của bạn án sơ thẩm lần đầu đã bị bản án phúc thẩm lần thứ nhất chỉ ra nhưng tại phiên tòa phúc thẩm lần hai này chưa thể hiện rõ những nội dung đã được khắc phục, tuy nhiên bản án phúc thẩm vẫn tuyển y án sơ thẩm lần hai khiến bị cáo và nhiều người bức xúc.
Bởi vậy, theo kiến nghị của người bào chữa, nội dung kêu oan của ông Phước và thái độ của ông Phước sau khi tuyên án phúc thẩm, TAND cấp cao, VKS cấp cao cần phải xem xét lại vụ án này một cách thấu đáo theo thủ tục giám đốc thẩm. Trường hợp có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm phạm, oan sai cần hủy bản án sơ thẩm để điều tra này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cần làm rõ bản chất vụ án đã tuyên
Khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn (khu phố Phước An, phường Tân Xuân), ông Phước đi về nhà. 13 h chiều cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép - do trước đó mang nhầm. Khi ông Phước điều khiển xe máy quay lại nhà ông Tuấn thì ông Quý rủ đi hát karaoke. Thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm, ông Phước chở ông này về nhà để lấy mũ. Khi đến gần nhà ông Quý (khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân), ông Phước dừng xe bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý vào nhà lấy mũ bảo hiểm. Song, ông Quý không chịu xuống nên ông Phước điều khiển xe (không bật tín hiệu đèn xi nhan) rẽ trái đi qua đường.
Khi xe 2 người tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều (hướng ngã ba Trạm điện đi ngã tư Sóc Miên) thì bị một xe máy do anh Lâm Tươi điều khiển chở anh Trị Tiếp lưu thông bên phải theo hướng ngã ba Trạm điện - ngã tư Sóc Miên tông phải. Ông Lương Hữu Phước và ông Trần Hữu Quý bị thương, được đưa vào bệnh viện. Đến ngày 17/1/2017 thì ông Quý tử vong.
Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 29/3/2018, tòa sơ thẩm TAND TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước xử phạt ông Phước 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ngày 2/4/2018, ông Phước có đơn kháng cáo kêu oan. Tại phiên toà phúc thẩm ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Ngày 6/12/2019, TAND TP Đồng Xoài xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên phạt bị cáo Lương Hữu Phước 3 năm tù giam. Sau đó, ông Phước tiếp tục nộp đơn kháng cáo, kêu oan.
Ngày 26/5/2020, TAND tỉnh đã đưa vụ án ra xét xử. HĐXX đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phước. Chiều 29/5, ông Phước mang theo chai thuốc (nghi là thuốc trừ sâu) đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước uống và nhảy từ trên lầu 2 xuống đất tự tử.