Bí ẩn cuốn sách đồng gần 400 tuổi ở chùa Bút Tháp

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã phát hiện ra một bảo vật vô giá ở chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đó là 2 cuốn sách bằng đồng xếp chồng trong một bọc giấy dó.
Tôn Đức tháp cổ
Nhà nghiên cứu Phạm Tuấn, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết, nằm trong quần thể cổ tích danh lam chùa Bút Tháp, tháp Tôn Đức được dựng sau khi sư Minh Hành viên tịch vào tháng 3-1659. Một năm sau, vào ngày rằm tháng 11, được vua Lê ban sắc chỉ và Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu là Pháp Tính hưng công, ngọn tháp được tạo dựng để an táng xá lị cho vị trụ trì.
Tháp này gồm 5 tầng, các tầng trên có hình chữ Phật cùng dòng chữ “Tôn Đức tháp”. Tầng dưới cùng là hệ thống các bài văn trong các giai đoạn về sau khi trùng tu thiền tự, được các đệ tử khắc thêm. Tầng thứ ba là bài văn ghi lại con người và hành trạng của sư Minh Hành. Theo đó, vị thiền sư này họ Hà, người huyện Hu Giang, phủ Kiến Xương (Giang Tây, Trung Quốc). Ông cùng thầy là Chuyết Công, vị Tổ khai sáng dòng Lâm tế Đại Việt.
Năm 1644, Chuyết Công viên tịch, Minh Hành kế đăng trụ trì và tiến hành xây dựng trên cơ sở tiền tài của các hoàng thân, quận công con vua phủ chúa. Đệ tử của Minh Hành có Chân Trụ sau là trụ trì chùa Hoa Yên (Quảng Ninh) cũng lập một tháp đá thờ vọng thầy.
“Tháp Tôn Đức ngay chân chùa Hoa Yên đến nay vẫn còn, trên tháp có khắc bài văn nội dung giống với bài văn khắc trên tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp”, nhà nghiên cứu Phạm Tuấn cho biết. Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ đánh giá: “Tháp Tôn Đức tuy không cao, đẹp, tỉ mỉ như tháp Báo Nghiêm, nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị mỹ thuật cũng đáng để nghiên cứu nhằm soi tỏ những bí mật thuở xưa”.
Sách đồng chùa Bút Tháp có niên đại năm 1660. 
Sửa tháp thấy bảo vật
Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Trong khi tiến hành trùng tu tòa tháp đá cổ nằm phía sau nhà tăng, sư trụ trì và họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã bất ngờ phát hiện 2 cuốn sách bằng đồng khắc chữ Hán rất đẹp. Lập tức, 2 cuốn sách đồng đã được lập biên bản và mời các chuyên gia về di tích, cổ vật đến để tham vấn”.
Theo ông Nga, mỗi cuốn sách có kích thước 14,4cx24,5cm khắc chìm chữ Hán rất đẹp và rõ nét ở cả hai mặt. Hai cuốn sách đồng có tổng 56 trang và nặng hơn 30kg. Đây là 2 quyển sách đồng đóng quyển, mỗi quyển được đóng bằng 3 khuyên tròn. Các chuyên gia bước đầu nhận định 2 quyển sách ghi nhiều thần chú ngữ trong nhiều bản kinh dùng trong các thời khóa tụng hành trì của chư tăng nhằm cầu vãng siêu trong tương quan Thiền - Tịnh - Mật của Phật giáo Lâm tế Đại Việt thế kỷ 17.
Ông Lê Viết Nga cho biết: “Trước sức ép phải hoàn thành việc phục chế 2 cuốn kinh cổ trong thời gian 60 ngày, các chuyên gia đã tìm khắp làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) và phố Hàng Đồng (Hà Nội) để mua nguyên liệu. May mắn là đã tìm được một cửa hàng ở phố Hàng Đồng có bán lá đồng dày 1mm đáp ứng được yêu cầu”.
Tìm mua được nguyên liệu đã khó, việc phục chế còn khó hơn nhiều lần như việc làm cũ những lá đồng tương ứng như những trang sách cổ, cho đến tìm người khắc chữ. Để có được “màu thời gian” như cuốn sách cổ, các chuyên gia đã phải dùng nước chè cùng một số thủ pháp dân gian của các nghệ nhân làng đúc đồng để tạo màu cho các lá đồng mới sang màu cũ kỹ mà tuyệt nhiên không sử dụng đến nước muối và hóa chất để tránh bị ăn mòn.
“Sau khi phục dựng bản sao cuốn kinh cổ hoàn tất, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã trả lại bản gốc cho nhà chùa. Đồng thời, cũng giao cho Ban Quản lý di tích tỉnh kết hợp với địa phương và nhà chùa bàn bạc tìm biện pháp an toàn nhất để lưu giữ 2 cuốn sách quý này”, ông Nga cho hay.
Nội dung trong sách cổ
Nhà nghiên cứu Phạm Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ: “Tuy 2 cuốn sách đồng cổ đã được trả về an tọa trong tháp, nhưng các vấn đề liên quan đến nội dung vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi”. Cuốn thứ nhất có 23 trang, bìa ghi tên “Đại phương Quảng Phật hoa nghiêm kinh Hải hội Phật”. Thực ra đây được cho như tên của sách nhưng bản chất câu này là một lời chú niệm trong hành trì khi tụng kinh “Đại phương Quảng Phật hoa nghiêm kinh”.
“Cũng giống như nhiều văn bia, kinh sách Phật giáo trong cùng giai đoạn Lê Trung Hưng, văn bản sách đồng mở đầu dùng 4 câu: “Hoàng đồ củng cố/Đế tạo hà xương/Phật nhật tăng huy/Pháp luân thường chuyển” để ca ngợi đất nước, đạo của vua rồi mới đến Phật pháp”, ông Tuấn cho biết. Phần tiếp theo của sách là ghi chép cho người được an táng trong tháp là thiền sư Minh Hành, cùng các chú ngữ dùng trong hành trì Mật giáo. Cuốn sách này được các nhà nghiên cứu xác định có niên đại khắc đời Vĩnh Bảo (1660).
Quyển thứ hai có 33 trang đủ các phẩm chương. Từ đầu đến cuối sách theo đúng cách đọc cổ từ phải sang trái. Mở đầu sách là các bài tán tụng dâng hương và bài nguyện mở kinh. Tiếp theo là tên sách, ghi rõ: “Kim cương bát nhã ba la mật kinh” được dịch bởi Diêu Tần tam tạng pháp sư. Cuốn này từ đầu sách đã ghi rõ người khắc là Chân Khả. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dù rất dụng công nhưng đến nay chưa có đủ tư liệu về hành trạng của người này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở nước ta từng tìm được một số cuốn sách đồng như cuốn “Cầu Không từ ký” ở Cầu Không (Hà Nam); cuốn sách đồng ở Đông Lao (Hoài Đức, Hà Nội); 4 cuốn sách đồng thư triều Nguyễn ở Quảng Nam và cuốn sách đồng làng Mai Phúc xã Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội).
Theo An ninh thủ đô

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN