Theo phản ánh của chị Lữ Thị Hồng Loan (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), vào ngày 20/8/2018, nghe tin bố chồng cũ bị ốm nặng, nên dẫn 3 người con về nhà ở Khu phố 8A, phường Tân Biên, TP. Biên Hòa để thăm ông nội.
Khi đến nơi, con của chị Loan tên Đinh Minh Huy (lúc đó được 13 tuổi) thấy bố mình (anh Long) đang bị Đạt (cháu ruột anh Long) hành hung thì chạy đến can ngăn.
Sau đó Đạt cùng bố mình (tên Huấn) kéo Huy vào trong nhà để đánh. Nghe tiếng kêu cứu của con trai, chị Loan cùng người bạn (tên Minh) vội chạy đến can ngăn thì tiếp tục bị 2 bố con Đạt kéo vào nhà rồi đóng cửa lại để hành hung.
Đại diện Công an phường Tân Biên xác nhận có sự việc trên xảy ra, công an phường đã tiến hành lập biên bản.
|
Chị Nga và cháu Huy. |
Sự việc dù đã xảy ra gần 1 năm, nhưng Công an phường Tân Biên chậm trễ tổng hợp các hồ sơ liên quan để xử lý dứt điểm vụ việc.
“Tôi đã nhiều lần gọi điện cũng như trực tiếp tới gặp ông Chinh (Trưởng công an phường Tân Biên – PV) để bày tỏ về sự chậm trễ việc xử lý hồ sơ nhưng ông Chinh hết lần này tới lần khác hứa hẹn và đưa ra những lý do hết sức vô lý để bao biện cho việc chậm trễ này”, chị Loan bức xúc.
Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm Pháp y Đồng Nai, ngày 18/9/2018, Cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa đã gửi giấy Quyết định trưng cầu giám định số 608/CSĐT tới Trung tâm pháp y - Sở Y tế Đồng Nai.
Ngày 26/9/2018 nơi này tiến hành giám định cho cháu Huy.
Ngày 16/10/2018, Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã có văn bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 0765/TgT/2018. Theo đó, tỷ lệ thương tích của Đinh Minh Huy là 15%.
|
Trụ sở Công an phường Tân Biên. |
Trả lời PV về sự việc chậm trễ này, đại diện Công an phường Tân Biên cho rằng, vào thời điểm xảy ra việc hành hung có nhiều đối tượng cần giám định, khi có kết luận thì Trung tâm Pháp y không gửi về phường, công an khu vực không hay biết nên mới chậm trễ.
Bên cạnh đó người này còn cho rằng có nhiều lý do “khó nói” nên sự việc mới kéo dài như vậy.
Theo luật sư Đỗ Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với việc bị hại đã có giám định tỉ lệ thương tật trên 10% thì thuộc thẩm quyền của cấp quận, thành phố.
Trong trường hợp này thì gia đình bị hại có quyền làm đơn gửi lên Công an TP, Viện KSND TP yêu cầu khởi tố vụ án.
Mặt khác, gia đình bị hại có quyền làm đơn tố giác hành vi vi phạm pháp luật che dấu của công an phường nếu có.