"Bẫy tình" trên mạng: Trí thức cũng chết dở với "quà bển gửi về"

Những kẻ lừa đảo thường lợi dụng lòng tốt của phụ nữ, lòng tốt càng rộng mở khi được đặt gần trái tim đang 'bốc khói' vì yêu.
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an), từ năm 2014 đến nay, đã có hàng chục nạn nhân là phụ nữ bị lừa đảo qua mạng với số tiền lớn. Nạn nhân mạnh dạn trình báo ít hơn rất nhiều so với số nạn nhân trên thực tế. Qua chia sẻ của Trung tá Lê Minh Lê (Đội trưởng đội Tổng hợp Công an Q.3, TP.HCM), chúng tôi hy vọng chị em cảnh giác với những chiếc bẫy ảo này.
"Bay tinh" tren mang: Tri thuc cung chet do voi "qua ben gui ve"
Ảnh minh họa. 
Phóng viên: Chiêu lừa tình trên mạng muôn hình vạn trạng nhưng có chung “kịch bản” nào không, thưa trung tá?
Trung tá Lê Minh Lê: Kẻ lừa đảo thường tạo tài khoản trên các mạng xã hội, nếu là người ngoại quốc thì thường dùng ảnh đại diện là đàn ông điển trai, lịch lãm các nước như Anh, Pháp, Mỹ… Nhưng trên thực tế, đa số những kẻ lừa đảo qua mạng xã hội là người gốc Phi. Chúng “thả câu” các cô gái bằng những lời chào lịch sự, vui vẻ.
Dần dà, thể hiện sự quan tâm, nhắn gửi lời “có cánh”, hứa hẹn kết hôn, rước cô gái sang định cư, tận hưởng cuộc sống giàu sang, an nhàn… Khi nhận thấy tình cảm của đối phương khá sâu đậm, chúng “tung chiêu” thông qua việc gợi ý giúp đỡ tiền để trị bệnh, góp vốn kinh doanh.
Tình huống được dựng lên thường thấy nhất là bạn trai ngoại quốc tặng cô gái tiền, quà nhưng sau đó việc chuyển quà về VN có chút trục trặc do quà có giá trị quá lớn, thuộc loại hàng cấm vận chuyển nên đã bị hải quan sân bay ách lại; giải pháp duy nhất là người nhận phải nộp một số tiền cho nhân viên hải quan. Có thể chuyển khoản hoặc nhân viên hải quan đến tận nơi thu tiền, lại vướng một vài trục trặc khác nên người nhận phải nộp tiền nhiều lần, cho đến khi… không còn khả năng tài chính thì số điện thoại của nhân viên hải quan ấy lẫn tài khoản trên mạng xã hội của người bạn trai cùng lúc “hô biến”.
Vì vậy, nếu người nước ngoài thực sự có nhã ý tặng quà cho bạn thì bạn chỉ cần cung cấp địa chỉ và nhận quà, không phải mất khoản phí nào.
Đấy chỉ thuộc dạng “đi câu” kiểu cầu may, dính không dính thì thôi; còn có một dạng lừa tình cực kỳ lợi hại, không ngại “dấn thân” của hàng “cao thủ”.
Đó là sau khi chinh phục được tình cảm cô gái, kẻ lừa đảo chính thức tổ chức lễ cưới, sẵn sàng bỏ tiền ra để chụp ảnh, đãi tiệc, thuê người đóng vai nhà trai. Sau đó, “người chồng” bắt đầu xây dựng kế hoạch bảo lãnh vợ và nhà vợ đi nước ngoài hoặc lập các dự án kinh doanh lớn nên huy động vốn của vợ, đại gia đình, bà con, xóm giềng, bạn bè…
Đó là chưa kể những đối tượng tội phạm (buôn bán ma túy, vận chuyển hàng hóa trái phép, hàng cấm…) sẽ lợi dụng mối quan hệ để phục vụ cho hoạt động phạm tội của chúng.
* Bẫy tình trên mạng đã được cảnh báo từ rất lâu nhưng vì sao nhiều phụ nữ vẫn “dính chưởng”, trong đó nhiều chị có trình độ đại học, trên đại học?
- Lừa là đánh vào lòng tin. Không có căn cứ nào chứng minh được rằng phụ nữ có học thức cao thì không nhẹ dạ, cả tin. Vả lại, người có kiến thức thì càng có cơ hội đi làm, có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, kết bạn trên mạng, giỏi ngoại ngữ để có thể trực tiếp chuyện trò với người nước ngoài và càng tự tin ở khả năng làm chủ tình thế của mình.
Nếu từng nghe về hiện tượng lừa tình lừa tiền thì họ vẫn nghĩ vấn đề đấy ở tận đâu đâu, xảy ra với ai khác hay đoan chắc mình là một ngoại lệ. Những kẻ lừa đảo thường lợi dụng lòng tốt của phụ nữ, lòng tốt càng rộng mở khi được đặt gần trái tim đang “bốc khói” vì yêu. Ngay khi chuyển tiền, lờ mờ nhận ra mình đã bị lừa thì nạn nhân nên báo ngay cho công an để có thể phong tỏa tài khoản kịp thời khi đối tượng chưa kịp rút tiền, đừng tiếp tục… chờ quà.
* Bằng cách nào để vô hiệu hóa “bẫy tình” trên mạng, thưa trung tá?
- Trong tình cảm mà nói phải sáng suốt thật khó. Con người ai cũng có sự rung động, ai cũng có lòng tin, lòng tốt nhưng phải đặt cho đúng chỗ, phải cẩn thận, suy xét, cảnh giác. Đứng trước một lời đề nghị, cần nhìn nhận đa chiều bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi, phản biện, lật trở vấn đề. Trong thời gian quen nhau, mình đã biết gì về người kia chưa? Nói chung là tất cả những thông tin về cá nhân. Trong các mối quan hệ đơn thuần đã phải tìm hiểu huống hồ đó là người mình muốn trao thân gửi phận.
Thật ra, càng quen biết càng dễ bị lừa vì ta mất cảnh giác nên cần thận trọng trong tất cả mối quan hệ. Nếu bình tâm, chậm lại một nhịp để suy nghĩ kèm theo vài thao tác phối kiểm, không khó để bạn nhận ra những mâu thuẫn, phi lý trong lời nói, hành động của đối tượng.
Tiền bạc phân minh trong chuyện tình cảm cũng là cách vô hiệu hóa “bẫy tình”. Nếu một người đàn ông thương bạn thật lòng, sẽ không nói về tiền bạc, gợi ý để bạn giúp đỡ.
Mặt khác, lòng tham của bản thân cũng sẽ khiến mình “mắc câu” như con cá ham mồi. Khi bạn hân hoan trước một món quà có giá trị lớn, một cơ hội (cũng có thể chính là lúc đối tượng ra đòn), hãy nhớ lại một câu nói đã trở thành chân lý: “Không có gì tự nhiên người ta đem cho, mình phải nỗ lực làm mới có”.
* Xin cảm ơn trung tá!
Theo Tô Diệu Hiền/ Báo Phụ nữ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN