Bất thường đấu giá đất Sóc Sơn: Trả 30 tỷ/m2 rồi xin rút

Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến.
Các thửa đất có diện tích 90 - 224m², giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m². Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô.
Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.
Đáng chú ý, quá trình đấu giá, có một nhóm khách hàng "phá" buổi đấu giá bằng cách trả giá cao bất thường tại các vòng đấu, thậm chí có 2 lô được trả đến 30 tỷ đồng/m2, tuy nhiên đến vòng 6, bước quyết định người trúng đấu giá, họ trả giá 0 đồng và xin dừng tham gia phiên đấu giá.
Dau gia dat Soc Son: Bat thuong tra 30 ty/m2 roi xin rut

Hội trường buổi đấu giá ngày 29/11 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tình huống này khiến 30 trong tổng số 58 thửa đất không thể đấu giá thành công. Huyện Sóc Sơn sẽ cho đấu giá lại các lô đất này vào tuần tới và giao Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm người trên.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về tình huống trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, bản chất hoạt động đấu giá đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá về quyền sử dụng đất, đây là thủ tục hành chính trong việc giao đất, đồng thời là quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, nếu có hành vi cản trở, khiến cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất không thể thực hiện được là gây rối trật tự công cộng, là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra tại một số địa phương đã có nhiều bất thường. Trong đó, hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cọc khiến nhiều cuộc đấu giá không thực hiện được, gây bức xúc dư luận.
Đấu giá đất thời gian qua khiến cho giá đất ở các khu vực có hoạt động đấu giá đất tăng cao khi người trúng giá đất trả giá cao hơn mức khởi điểm rất nhiều. Việc này khiến những người dân, những người lao động không có cơ hội tiếp cận về quyền sử dụng đất trong những dự án có tổ chức đấu giá tại địa phương.
Đáng chú ý, một số người trả giá cao đã rao bán để thu lợi số tiền lớn. Người tham gia đấu giá đất như vậy thực sự không có mục đích sử dụng mà chỉ là hoạt động trục lợi từ đấu giá quyền sử dụng đất, lợi dụng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để thu lợi khiến cho người sử dụng thực sự phải trả giá cao, không những phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo mức giá mà những nhà đầu cơ đưa ra mà còn phải trả một khoản tiền chênh lệch khiến họ thiệt đơn, thiệt kép.
Điều đáng lo ngại là các thửa đất cứ thế qua tay thổi giá lên để kiếm lời, nhưng không đưa vào sử dụng dẫn đến lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Bởi vậy kiểm soát hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất là điều cần thiết, sao cho giá đất phản ánh đúng với giá thị trường, để người có nhu cầu thực sự có cơ hội tiếp cận để đưa đất vào sử dụng nhằm phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và loại bỏ được các trường hợp đầu cơ, lợi dụng hoạt động đấu giá đất để thu lợi bất chính.
Do lợi lớn từ việc trúng giá đất trong các cuộc đấu giá nên thời gian qua ở nhiều địa phương, xuất hiện một số đối tượng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất hành xử theo kiểu côn đồ, “xã hội đen” thao túng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất như tranh giành mua hồ sơ, ép bán lại hồ sơ, bán lại lô đất đã trúng, cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, không cho những người dân ở nơi khác đến tham gia đấu giá gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự về nhiều tội danh khác nhau trong đó có tội gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, hoạt động gây rối trật tự công cộng không chỉ là dùng sức mạnh vật chất, vũ lực, vũ khí hay dùng lời nói, đe dọa, chửi bới xúc phạm để cản trở hoạt động của cơ quan đơn vị tổ chức đấu giá. Hành vi cản trở hoạt động đấu giá còn thể hiện ở chỗ là trả giá cao rồi bỏ cọc có chủ ý, có mục đích khiến cho hoạt động đấu giá không thành công.
Dau gia dat Soc Son: Bat thuong tra 30 ty/m2 roi xin rut-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động Đấu giá tài sản được quy định tại Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016. Theo đó, trong hoạt động đấu giá tài sản, pháp luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi được quy định tại khoản 5 Điều 9 nêu trên, trong đó có hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản.
Nếu người nào không có nhu cầu, không có khả năng thanh toán tiền để nhận đất sử dụng, không muốn mua nhưng vẫn tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc khiến cho cuộc đấu giá không thành công, phải tổ chức đấu giá lại, đây là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật và là hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bởi vậy trong vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất nêu trên việc trả giá đến hơn 30 tỷ đồng/m2 đối với đất ở ở huyện Sóc Sơn là bất thường, thể hiện ý thức coi thường hoạt động đấu giá. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ danh tính của những người đã trả giá cao rồi bỏ cọc, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét mức độ xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mỏ cát được đấu giá gấp hơn 300 lần: Có dấu hiệu thao túng:
Hải Ninh