Bát nháo livestream trên Tiktok… bán mỹ phẩm, nước hoa “rởm”

Lực lượng chức năng liên tục phát hiện và tạm giữ hàng chục ngàn sản phẩm là hàng mỹ phẩm, nước hoa nghi nhập lậu, do các Tiktoker livestream bán trên các nền tảng mạng xã hội.

Mỹ phẩm, nước hoa “rởm”

Mới đây, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đột xuất kiểm tra điểm chứa trữ hàng hóa của Công ty CP Tập đoàn Zenpali ở số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm kinh doanh được bố trí khá bài bản với đầy đủ các khu vực: livestream, chốt đơn, máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng. Các khu vực được bố trí riêng biệt, nằm tất cả trên mặt sàn rộng khoảng 1.000 m2.

Tại khu vực kho hàng, đoàn kiểm tra phát hiện hơn 10.000 chai nước hoa… có dấu hiệu nhập lậu. Ảnh: QLTT

Tại khu đóng gói, đoàn kiểm tra phát hiện hai bao tải lớn chứa hàng trăm đơn nước hoa đã được đóng gói sẵn, chuẩn bị chuyển đi các tỉnh như Quảng Ninh, Tây Ninh, TP HCM... qua J&T Express. Mỗi đơn có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Ngoài ra, trong khu vực kho còn có hàng chục thùng carton, chứa hơn 10.000 chai nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri...

Khu vực livestream bán hàng của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali. Ảnh: QLTT

Phần lớn các sản phẩm này được bán chủ yếu qua livestream trên Tiktok, Facebook, trong đó có tài khoản “Phan Thủy Tiên” với 4 triệu lượt follow. Đây cũng chính là hot Tiktoker bán hàng nổi tiếng trên nền tảng Tiktokshop trong thời gian qua.

Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận trên các sản phẩm nước hoa không có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ; trên sản phẩm hiển thị ngôn ngữ nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định… Hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.

Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện công ty chỉ cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp năm 2018 và đăng ký địa điểm kinh doanh năm 2023. Công ty chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng nước hoa này.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nghi vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Các nhân viên đóng hàng từ các đơn đã chốt trong phiên livestream trước đó của Tiktoker Nguyễn Hoàng Mai Ly. Ảnh: QLTT

Trước đó, vào cuối tháng 12/2023, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra một kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội

Kho hàng là một căn biệt thự 5 tầng, mỗi tầng rộng trên 100 m2. Toàn bộ diện tích bên trong căn biệt thự cũng như cầu thang lên xuống đều được chủ cơ sở tận dụng để làm nơi chứa trữ hàng hoá.

Tại thời điểm kiểm tra, trên 50 nhân viên có mặt ở các tầng đang thực hiện đóng gói, dán đơn lên các sản phẩm vừa được chốt đơn trong phiên livestream trước đó. Các đơn hàng được đóng gói chất thành đống nằm la liệt, ngổn ngang trên các mặt sàn. Thông tin trên các đơn hàng thể hiện lượng khách hàng lớn nằm rải rác khắp mọi miền tổ quốc từ vùng sâu vùng xa đến những thành phố lớn. Mỗi đơn hàng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.

Hàng hoá tại đây đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm không thể hiện nguồn gốc, xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ.

Được biết, chủ kho hàng là một “hot girl” nổi tiếng trong kinh doanh hàng hóa online trên nhiều nền tảng từ Tiktok, Instagram, Facebook cũng như website với tên gọi Mailystyle.com.

Trên nền tảng Facebook Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng.

Đặc biệt, trong phiên livestream ngày 23/12/2023, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm. Tham dự cùng phiên livestream trên tài khoản Mailystyle.com còn có sự xuất hiện của một số Tiktoker sở hữu hàng trăm nghìn lượt follower như Pew Pew, Hứa Phương Ngân… cùng tham gia giới thiệu, bán sản phẩm.

Nguy hại khôn lường

Trao đổi với PV, chị Cẩm Tiên ở quận 1, TP HCM - chủ một cửa hàng mỹ phẩm chuyên nhập hàng chính hãng cho hay, các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa “rởm”, không có nguồn gốc, xuất xứ đang rao bán trên mạng luôn thu hút người tiêu dùng tìm mua bởi giá thành rẻ, chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm và chủ yếu sử dụng trong một thời gian ngắn. Trong khi hàng chính hãng có giá niêm yết gần gấp đôi và thường có hạn sử dụng rất lâu khoảng 3 - 5 năm kể từ ngày sản xuất, tùy theo thương hiệu, nguyên liệu nước hoa, . . .

“Khi xịt những loại nước hoa “rởm” này, người dùng sẽ thấy mùi hương liệu rất rõ ràng và thường có cảm giác nhức đầu, chóng mặt, dễ stress…”, chị Cẩm Tiên chia sẻ.

Về chuyên môn, PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu - BV Đại học Y dược TP HCM cho hay, gần đây lượng bệnh nhân đến khám vì dị ứng mỹ phẩm tăng nhanh. Đa phần họ đều có những triệu chứng như da bị phát ban mụn trứng cá, ửng đỏ, kích ứng, dị ứng, giãn mao mạch, sạm nám da… Một số trường hợp nhẹ thì khắc phục dễ và nhanh nhưng trường hợp nặng phải điều trị rất lâu, có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân là do bị thu hút với mức giá hấp dẫn và vội vàng tin lời quảng cáo “đường mật” của chủ shop, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm online, mà chưa kiểm chứng chất lượng thực sự của nó, không ít người tiêu dùng sẵn sàng đặt mua các sản phẩm này về dùng. Tuy nhiên, những mặt hàng này đều không mang lại hiệu quả như mong muốn và nhiều người trong số đó đã phải rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Thiên Bảo