Báo tin vi phạm giao thông để lĩnh thưởng: Có dễ kiếm tiền?

Việc quay clip, hình ảnh vi phạm giao thông một cách có chủ đích, thường xuyên và mong muốn trở thành nguồn thu nhập chính của một số người có thể sẽ xảy ra những vấn đề mâu thuẫn, xung đột.
Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.
Trong đó, đáng chú ý có quy định về việc "Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông".
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quy định về sử dụng tiền thu được từ việc xử lý vi phạm giao thông có những điểm mới đáng ghi nhận, tuy nhiên trong quá trình áp dụng cần phải có sự kiểm soát và có thể điều chỉnh phù hợp.
Bao tin vi pham giao thong de linh thuong: Co de kiem tien?
Ảnh minh họa.
Quy định này kích thích về mặt lợi ích kinh tế cho công dân khi báo tin vi phạm giao thông cho lực lượng chức năng, góp gia tăng nguồn tin làm căn cứ xử lý vi phạm giao thông, đồng thời cũng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi việc phát hiện vi phạm giao thông không chỉ do lực lượng chức năng, do thiết bị chuyên dụng mà còn do tai mắt của người dân.
Việc tiếp nhận thông tin vi phạm giao thông được thực hiện qua app có thể tải về điện thoại di động hoặc thông tin trực tiếp qua các số điện thoại đường dây nóng cho lực lượng chức năng.
Từ ngày 01/01/2025, ứng dụng VNeTraffic là kênh giao tiếp quan trọng giữa Công dân và lực lượng CSGT, cung cấp thông tin về giao thông, giúp Công dân gửi các phản ánh, thông tin thu thập về tình hình giao thông cũng như tố giác, phản ánh các vi phạm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông; theo dõi được tình trạng các phản ảnh, lịch sử đã phản ánh, lịch sử đã vi phạm, biển số đấu giá, tra cứu phạt nguội, gửi góp ý…
Cũng theo Bộ Công an, sắp tới lực lượng CSGT sử dụng ứng dụng phần mềm để nhận thông tin của người dân làm căn cứ xử phạt. Sau khi ban hành quyết định xử phạt sẽ chi trả lại cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông qua tài khoản.
Về mức chi, tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định rõ: “Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc.”
Với quy định nêu trên, bắt đầu từ ngày 01/01/2025, các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng/1 vụ, việc.
Thực tế, khi văn bản này có hiệu lực pháp luật, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh về một số người dân dùng điện thoại quay tại các ngã tư đường, nhiều người đã tải phần mềm ứng dụng để cung cấp thông tin và cũng đã được nhận thưởng. Đây là sự kiện khá mới mẻ trong đời sống xã hội, tạo ra hứng thú cho nhiều người khi có ý định biến hoạt động này trở thành một “nghề” kiếm tiền trong tương lai.
Tuy nhiên, việc quay clip để tìm kiếm hành vi vi phạm giao thông một cách có chủ đích, hoạt động thường xuyên và mong muốn trở thành nguồn thu nhập chính có thể sẽ xảy ra những vấn đề mâu thuẫn, xung đột trong xã hội.
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội hoặc tìm kiếm cơ hội có thu nhập cá nhân cũng phải đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng. Quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông có thể sẽ có những tình huống tiếp nhận được thông tin có tính chất sơ hở, hữu hình, không đẹp của người tham gia giao thông, thậm chí có thể có những thông tin liên quan đến bí mật đời tư cá nhân.
Bởi vậy, nếu tùy tiện thu thập thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân, đây lại là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể phát sinh những mâu thuẫn giữa người ghi hình và những người tham gia giao thông.
Do đó, lực lượng chức năng cũng cần khuyến cáo, cảnh báo nếu xuất hiện nhiều người biến quy định mới này thành một hoạt động thường xuyên hoặc trở thành nghề nghiệp kiếm sống. Việc ghi hình ảnh của người khác chỉ được phép thực hiện mà không cần xin phép nếu có căn cứ cho thấy người đó đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, để đảm bảo an toàn công cộng, lợi ích công cộng. Chỉ những hình ảnh về người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ, mới được phép lưu trữ và chỉ được phép sử dụng để trình báo với cơ quan chức năng. Pháp luật nghiêm cấm việc tùy tiện ghi hình người tham gia giao thông, lưu trữ thông tin hình ảnh đó để sử dụng vào các mục đích trái pháp luật.
Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện những hình ảnh thông tin giả mạo, dàn dựng để nhận thưởng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Đối với những hành vi này nếu phát hiện có chủ ý gây khó cho lực lượng chức năng hoặc lợi dụng quy định mới của pháp luật để trục lợi thì cần phải xử lý nghiêm. Những hành vi cung cấp thông tin giả mạo cho lực lượng chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ thì còn có thể bị xử lý hình sự.
Do đó, người dân không nên kỳ vọng về việc ra đường ghi hình, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng là có thể kiếm tiền một cách dễ dàng và đừng hy vọng biến đây trở thành nghề kiếm sống dễ dàng.
Việc ghi hình vi phạm của người khác để tố cáo vi phạm không đơn giản và dễ dàng để có thể biến thành một nghề nghiệp mang lại thu nhập chính, quá trình thực hiện hoạt động này có thể gây ra những cự cãi, mâu thuẫn về việc sử dụng thông tin hình ảnh cá nhân, thậm chí người vi phạm giao thông có thể hành hung, trả thù người ghi hình...
Cơ quan chức năng cũng cần có những khuyến cáo, kiểm soát tình hình này, đồng thời có những cơ chế để đảm bảo bảo vệ người tố cáo, tránh những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra từ hoạt động này.
Quá trình áp dụng nghị định này cũng cần tổng kết rút kinh nghiệm để có sự kiểm soát trong quá trình áp dụng, từ đó có thể quyết định tiếp tục duy trì, thay đổi phương thức hoặc chấm dứt quy định này tùy thuộc vào hiệu quả và đánh giá hoạt động này từ nhiều mặt trong quá trình áp dụng nghị định tới đây.
Hải Ninh/TT&CS