Bão RAI chuẩn bị vào Biển Đông, sẵn sàng kế hoạch sơ tán dân

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 25/CĐ-QG gửi các bộ ngành, địa phương chỉ đạo ứng phó với cơn bão có tên quốc tế là RAI đang chuẩn bị tiến vào Biển Đông.
bao.jpg

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay (15/12) bão đang cách Philippines khoảng 800km về phía đông. Cường độ mạnh cấp 11, khả năng trong hôm nay sẽ mạnh thêm.
Cường độ cực đại bão Rai có thể đạt cấp 13-14, giật cấp 16. Sau khi đi qua Philippines bão sẽ suy yếu và khoảng đêm 17 đến ngày 18/12, đi vào Biển Đông, sau đó có khả năng mạnh trở lại.
Cũng trong ngày 17/12, ở phía Bắc không khí lạnh tăng cường nên khi vào gần bờ bão sẽ có khả năng suy yếu. Tuy nhiên, các dự báo hiện nay đều nhận định bão suy yếu không nhiều. Ngoài ra, bão cũng có khả năng đổi hướng đi lên phía bắc khi vào tới kinh tuyến 113-115.
Trước diễn biến của bão Rai, từ khoảng ngày 17 đến 18/12, các tàu thuyền hoạt động trên biển sẽ tiềm ẩn nguy cơ gặp rủi ro. Đến ngày 19/12, gió mạnh do bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển. Dự báo, bão sẽ vào đất liền là khoảng ngày 20/12. Đây là cơn bão mạnh, cường độ của bão trên Biển Đông có thể đạt cấp 12, gây mưa lớn gió mạnh trên biển và đất liền.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, đây là cơn bão cuối năm, rất mạnh; chịu tương tác nhiều yếu tố vì vậy phạm vi, đường đi, đối tượng tác động sẽ còn nhiều thay đổi.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết đặc biệt diễn biến bão RAI, chuyển bản tin dự báo, cảnh báo về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, cơ quan truyền thông và người dân.
Các địa phương xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với bão RAI đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; kích hoạt lực lượng xung kích cơ sở; kiểm đếm nhà yếu và xây dựng kế hoạch di dời; kiểm tra nơi ở công nhân, khu nhà trọ;
Xây dựng phương án bảo vệ các vị trí đê biển xung yếu; chủ động dừng thi công công trình; chủ động kế hoạch cấm biển; có kế hoạch đảm bảo an toàn của ngư dân ở nơi neo đậu; không để người dân trên các lồng bè khi bão đổ bộ; rà soát các khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và sẵn sàng kế hoạch sơ tán dân.

PV