Bàng hoàng những vụ trẻ em bị người thân bạo hành

¾ số trẻ em từ 2 – 4 tuổi trên toàn thế giới (khoảng 300 triệu trẻ) đang chịu các hành vi bạo lực về tâm lý hoặc thân thể bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà.
Đòn roi của người thân
Tại Việt Nam, mới đây, dư luận từng “rúng động” về một vụ mẹ ruột bạo hành con hết sức dã man. Cụ thể, nạn nhân bị bạo hành là bé trai Võ Hiếu N (9 tuổi) trú tại đường Phạm Thái Bường, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, cùng mẹ ruột và bác họ (bố mẹ N đã ly dị). Bé N thường xuyên bị mẹ và bác bạo hành. Theo bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bệnh nhi N nhập viện với đa chấn thương phần mềm, sưng mặt, nhiều vết bầm cũ và mới toàn thân, sưng nề mô mềm vùng đỉnh 2 bên và thái dương...
Bang hoang nhung vu tre em bi nguoi than bao hanh
Một vụ việc trẻ bị bạo hành được phản ánh trên truyền thông. Ảnh: IT 
Tháng 5.2017, Công an huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) cũng phải vào cuộc điều tra vụ việc cháu T (5 tuổi, ở xã Nghĩa Điền) bị người thân bạo hành. Cụ thể, bé T đã bị dì ruột đánh đập nhiều lần bằng roi tre. Quá bức xúc về sự đối xử của người dì, một hàng xóm đã quay lại clip và tố cáo với công an. Công an huyện Tư Nghĩa đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu gia đình cùng cá nhân bà Tạ Thị Thanh T (dì ruột của cháu T) chấm dứt hành vi hành hạ cháu T, đồng thời tiếp theo dõi, điều tra làm rõ vụ bạo hành này.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đã kiến nghị cần đưa nội dung về tình trạng bạo hành trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội trong thời gian tới và coi đây là giám sát ở mức cao nhất.

Đây chỉ là 2 trong hàng trăm vụ bạo hành trẻ em xảy ra mỗi năm ở Việt Nam. Tại phiên họp mới đây của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đưa ra số liệu đáng giật mình: “Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, thống kê cho thấy, cả nước đã xảy ra 315 vụ xâm hại trẻ em bao gồm các nhóm trẻ em bị mua bán, bị xâm hại tình dục, bị bạo lực. Đây chưa phải là con số cuối cùng, vì trên thực tế con số nạn nhân bị bạo hành, xâm hại trẻ em chưa bị phát giác vẫn còn nhiều”
Bảo vệ trẻ em từ chính gia đình
Theo báo cáo mới nhất của UNICEF: đa số trẻ em – kể cả những trẻ chỉ mới 12 tháng tuổi – đang bị bạo lực, thường là bởi chính những người được giao phó chăm sóc các em.
BÁO CÁO CỦA UNICEF VỀ BẠO LỰC VỚI TRẺ EM Ở VIỆT NAM
68,4% trẻ em độ tuổi 1-14 (được báo cáo) đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà.
Khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường.
Khoảng 16% trẻ em (tương đương 1,7 triệu trẻ) độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em.
Cụ thể, có tới 3/4 số trẻ em từ 2 đến 4 tuổi trên toàn thế giới (khoảng 300 triệu trẻ) chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý hoặc bị trừng phạt thân thể bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà. Tại 30 quốc gia có dữ liệu, cứ 10 trẻ dưới 1 tuổi thì có 6 em thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Gần như ¼ trẻ dưới 1 tuổi bị lắc người để trừng phạt và cứ 10 trẻ thì có 1 em bị đánh hoặc bị tát vào mặt, đầu hoặc tai. Báo cáo cũng cho biết, cứ 7 phút lại có 1 trẻ vị thành niên bị tử vong do bạo lực.
Về bạo lực tình dục đối với trẻ em trai và trẻ em gái, tại 28 quốc gia có dữ liệu, trung bình 90% trẻ em gái vị thành niên từng bị ép quan hệ tình dục nói rằng thủ phạm của vụ xâm hại đầu tiên là người quen của các em.
Ông Cornelius Williams - Trưởng ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho biết: “Tổn hại đối với trẻ em trên toàn thế giới thực sự rất đáng lo ngại. Trẻ nhỏ bị tát vào mặt; trẻ em gái và trẻ em trai bị ép tham gia các hành vi tình dục; trẻ vị thành niên bị giết hại tại chính cộng đồng của các em – bạo lực đối với trẻ em không chừa một ai và không có ranh giới”.
Báo cáo của UNICEEF cũng cho thấy, tại Việt Nam, mặc dù đã có những tiến bộ trong thay đổi quan niệm và thực hành chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhưng nhiều hình thức bạo lực đối với trẻ em như bạo lực thân thể, xâm hại tình dục, lạm dụng lao động vẫn còn rất phổ biến.
Kỷ luật bạo lực đang diễn ra phổ biến với gần 68,4% trẻ em độ tuổi 1-14 được báo cáo là đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà. Khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường. Khoảng 16% trẻ em (tương đương 1,7 triệu trẻ) độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em, trong đó 7,8% làm việc trong các điều kiện nguy hiểm.
Theo Tùng Anh/Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN