Ban quản trị cụm chung cư số 6 Đội Nhân, Hà Nội: “Bày binh bố trận”, cài cắm “sân sau” trục lợi?

Gần 2 năm qua, Ban Quản trị (BQT) cụm chung cư số 6 Đội Nhân tự ý đưa những đối tượng lai lịch bất minh, không có pháp nhân, không có năng lực, không có sự đảm bảo… vào thành lập Ban Quản lý, làm con dấu “củ khoai” thu tiền của cư dân trục lợi bất chính.

“Bày binh bố trận”, cài cắm “sân sau”

Cụm chung cư (CCC) số 6 Đội Nhân tọa lạc tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, từng được mệnh danh là nơi đáng sống nhất giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, mấy năm gần đây tại CCC này đã xảy ra nhiều vấn đề gây mất an ninh trật tự, mất đoàn kết… tất cả được tạo ra bởi sự điều hành của một BQT đứng đầu là ông Trần Thiện Toàn, Trưởng ban và ông Trần Thanh Lâm, Phó ban.

Một số thành viên của BQT này trong thời gian 3 năm qua có nhiều hành vi thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật và có dấu hiệu cấu kết cùng một số đối tượng bên ngoài nhằm lừa đảo trục lợi.

Báo Tri Thức và Cuộc sống đã nhận được đơn thư của một số hộ dân tại CCC số 6 Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình tố cáo BQT CCC này cùng một số đối tượng có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua tìm hiểu, xác minh cho thấy những nội dung trong đơn thư tố cáo là có cơ sở.

Theo đó, năm 2019, BQT đã “Bày binh bố trận”, tổ chức một cuộc đấu thầu tìm đơn vị quản lý vận hành (QLVH) CCC; nhằm đưa Công ty Việt Phát, một doanh nghiệp có quan hệ vào và tạo điều kiện cho trúng thấu mặc dù công ty này không đáp ứng điều kiện hồ sơ thầu đưa ra.

Để thực hiện việc này, BQT của CCC thuê cả công ty tư vấn, luật sư… tổ chức cả buổi công bố kết quả rầm rộ cùng những lời tâng bốc về đơn vị trúng thầu. Mặc dù cư dân đã chỉ ra những sai sót, vi phạm và có sự bức xúc phản ứng trước sự chứng kiến của Tổ dân phố, Công an phường Vĩnh Phúc.

Nhưng để ổn định cuộc sống nên sự việc trên cũng lắng dần và tưởng như dừng ở đó; thìsau khi “trúng thầu” chỉ chưa đầy 3 tháng thử việc, công ty này đã “bỏ chạy” ôm theo gần 18.000.000đ (mười tám triệu đồng) tiền quỹ kết dư của CCC cùng với đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trong một loạt văn bản của BQT này gửi cư dân CCC nội dung nêu rất rõ, Công ty Việt Phát không thực hiện đúng Hợp đồng, cung cấp nhân sự không đảm bảo chất lượng… không đủ năng lực chây ỳ… đi ngược hoàn toàn với những gì mà BQT, đơn vị tư vấn tâng bốc trước đó.

Sau khi Công ty Việt Phát ôm tiền bỏ chạy cùng với những vi phạm nêu trên thì lẽ ra ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc, Trưởng ban QLVH, người đại diện công ty tại CCC phải chịu trách nhiệm trước BQT và cư dân. Thế nhưng, không những không bị xử lý, ông Tuấn lại được BQT “yêu mến” yêu cầu Công ty Việt Phát “cử, tuyển” ông Nguyễn Quốc Tuấn ở lại tiếp tục làm việc?!

Sau đó, không tổ chức thầu lại, không xin ý kiến cư dân BQT mà tự ý đưa một “hình nhân thế mạng” là Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Dream House (DH) vào thay thế Công ty Việt Phát với yêu cầu giữ nguyên nhân sự Trưởng ban QLVH (ông Nguyễn Quốc Tuấn), đội ngũ nhân sự và vệ sinh.

Sau khi vào “thế mạng”, Công ty DH lại bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Tuấn làm Phó Giám đốc Công ty DH kiêm Trưởng ban QLVH CCC. Có lẽ nhận thấy mình chỉ là “bù nhìn” nên cũng chưa đầy 3 tháng sau, Công ty DH lại “tẩu vi thượng sách” và cũng chỉ để lại ông Phó Giám đốc Tuấn?!

Với một lai lịch bất minh, không có bất cứ gì (pháp lý không có, không tiền cọc, năng lực yếu kém, các nhân sự không có…?!) nhưng chắc chắn ông Tuấn có mối quan hệ lợi ích mật thiết với BQT.

Chính vì vậy, sau 2 lần doanh nghiệp tháo chạy, chẳng cần đấu thầu, gạt bỏ mọi quy định của pháp luật, của CCC, BQT đã giữ ông Tuấn ở lại và tự bổ nhiệm làm Trưởng ban và nâng lên làm đồng chủ tài khoản với ông Trưởng ban Trần Thiện Toàn.

278603671_2121577328020340_1449553099967828675_n.jpg
Ông Trần Thiện Toàn, Trưởng ban Quản trị Cụm chung cư số 6 Đội Nhân

Muốn “xin” nhưng sợ chủ nhà không cho nên đành “ăn cắp” vậy?!

Sau khi Công ty Việt Phát thắng thầu vào tiếp quản thực hiện quản lý vận hành CCC, đơn vị quản lý và vận hành cũ là Công ty Hà Thành rời đi mang theo toàn bộ hệ thống barie khiến các lối ra vào CCC trống trơn.

Theo quy định, để được đầu tư hệ thống barie (với số tiền lớn) thì BQT phải họp xin ý kiến cư dân và tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, BQT đã không làm như vậy mà tự ý cho Công ty Việt Phát đầu tư và trả tiền dần trong 12 tháng.

Lý giải về việc đầu tư này, BQT phát thông báo nêu rõ: “Nếu áp dụng theo qui chế quản lý chung cư thì với số tiền lớn như vậy BQT phải xin ý kiến cư dân để thực hiện. Bên cạnh đó, việc đầu tư bằng tiền quỹ cư dân sẽ có những ý kiến trái chiều, có thể bôi nhọ BQT và hơn nữa là phản đối gây kiện cáo để không cho thực hiện.

BQT chúng tôi đã phải tính toán, cân đối rất nhiều và đi đến thống nhất: Giao cho Việt Phát đầu tư và sẽ trích khấu hao hằng tháng (không quá 12 tháng) để bù đắp chi phí cho họ và chi phí khấu hao là 20.000.000đ/tháng”.

“Cây ngay không sợ chết đứng” các ông bà BQT nếu không làm gì khuất tất thì sao phải sợ?, văn bản của BQT nói đại đa số cư dân đều đồng thuận thúc giục và có đơn của ông Tổ trưởng chung cư thì sao phải sợ rồi nhờ Công ty Việt Phát đầu tư để rồi hằng tháng trích khấu hao 20.000.000đ/tháng?! Điều các vị làm chẳng khác gì: “Muốn “xin” nhưng sợ chủ nhà không cho nên đành “ăn cắp” vậy?!”. Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Hà