Băn khoăn mức đóng bảo hiểm bằng 25,5 % lương tháng

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có cam kết lao động từ 3 tháng trở lên sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam.
Mức đóng bằng 25,5% tháng lương
Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, lao động (LĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép LĐ, chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề từ 3 tháng trở lên được tham gia BHXH bắt buộc của Việt Nam. Bao gồm, bảo hiểm tai nạn LĐ - bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất (tương tự LĐ Việt Nam đang hưởng). Người LĐ nước ngoài cũng được hưởng BHXH một lần khi chấm dứt hợp đồng LĐ, hoặc khi nghỉ hưu nhưng không còn cư trú ở Việt Nam. Mức hưởng BHXH một lần tính theo công thức, 1 năm đóng BHXH được tính bằng 2 tháng lương bình quân tính đóng BHXH.
Về mức đóng BHXH, người LĐ nước ngoài đóng bằng 8% mức lương tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Người sử dụng LĐ đóng bằng 3% mức lương tháng vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn LĐ - bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tiền lương tháng tính đóng BHXH với người LĐ nước ngoài là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, nhưng tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Tuy nhiên, do lần đầu thực hiện cần thời gian chuẩn bị và đàm phán với các nước có nhiều LĐ Việt Nam đang làm việc, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thực hiện các quy định trên theo lộ trình. Cụ thể, từ 1/1/2018, người LĐ nước ngoài tại Việt Nam phải tham gia bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn LĐ - bệnh nghề nghiệp; Từ 1/1/2020, thực hiện chế độ hưu trí, tử tuất.
Ban khoan muc dong bao hiem bang 25,5 % luong thang
Nhiều trung tâm ngoại ngữ sử dụng giảng viên nước ngoài, nhưng không phải tham gia các chế độ BHXH. (Ảnh minh họa)
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, hiện chi phí doanh nghiệp (DN) bỏ ra khi sử dụng LĐ nước ngoài rẻ hơn tương đối so với sử dụng LĐ trong nước (do LĐ nước ngoài không phải tham gia BHXH tại Việt Nam). Do đó, chế độ BHXH bắt buộc với LĐ nước ngoài góp phần bảo vệ việc làm trong nước. Đồng thời, thúc đẩy các nước ký kết hiệp định song phương về BHXH với Việt Nam, tạo điều kiện cho LĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài cũng được tham gia BHXH của nước sở tại. Về tác động của chính sách BHXH bắt buộc với LĐ nước ngoài, cơ quan soạn thảo cho rằng, tổng mức đóng của người LĐ và DN vào Quỹ BHXH bằng 25,5% tiền lương tháng. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho DN, nhưng do có mức trần (không quá 20 lần mức lương cơ sở), nên áp lực không quá lớn.
Với Quỹ BHXH của Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, mức tác động lên các quỹ không lớn. Như với quỹ ốm đau, thai sản, chỉ khoảng 16,6% số LĐ nước ngoài tại Việt Nam tham gia, chưa kể những LĐ nữ này thường có lương cao, nên có thể giúp quỹ này thêm nguồn kết dư. Với Quỹ bảo hiểm tai nạn LĐ - bệnh nghề nghiệp, đa số LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam là chuyên gia, quản lý, LĐ kỹ thuật cao, nên nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp không nhiều, vì thế quỹ này cũng ít chịu tác động.
Với quỹ hưu trí, tử tuất, Bộ LĐ-TB&XH cũng đánh giá tác động không đáng kể. Bộ này lý giải, LĐ nước ngoài muốn hưởng lương hưu tại Việt Nam cũng phải đáp ứng về điều kiện tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH đủ 20 năm… Do vậy, chỉ người LĐ làm việc và định cư lâu dài ở Việt Nam mới có thể được hưởng chế độ lương hưu hằng tháng. “Việc tham gia của người LĐ nước ngoài vào hệ thống BHXH sẽ không tác động đáng kể đến Quỹ BHXH”, cơ quan soạn thảo nhận định.
DN lo chồng chéo
Cho ý kiến về dự thảo nghị định trên, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, hầu hết người LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn. Do đó, LĐ nước ngoài thường không mong muốn, hoặc không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí tại Việt Nam. Ngoài ra, hầu hết người LĐ nước ngoài đã tham gia BHXH tại nước họ mang quốc tịch, giờ tham gia ở Việt Nam sẽ bị chồng chéo. Từ đó, AmCham đề nghị xem xét lại dự thảo nghị định trên.
Tương tự, ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đề xuất, quy định trên chỉ thực hiện khi 2 nước đã ký kết thỏa thuận BHXH để tránh bị đóng BHXH 2 lần. Chủ tịch JBAV cũng đề nghị có cơ chế loại trừ với người LĐ nước ngoài đã tham gia BHXH tại nước họ mang quốc tịch.
Còn Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề xuất, chỉ áp dụng đóng BHXH bắt buộc với LĐ nước ngoài có hợp đồng từ 6 tháng trở lên. Đồng thời, không áp dụng với những LĐ di chuyển trong nội bộ DN. EuroCham cũng góp ý chỉ áp dụng tham gia chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn LĐ - bệnh nghề nghiệp (không tham gia chế độ hưu trí và tử tuất).
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết: Dự thảo nghị định cần làm rõ các nguyên tắc “bình đẳng, có đi có lại, cộng dồn”, thống nhất mức đóng, hưởng chế độ BHXH giữa các nước nhằm đảm bảo tính khả thi của quy định, không ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh Việt Nam. Do vậy, cơ quan này kiến nghị, các quy định trên chỉ nên áp dụng với LĐ các nước Việt Nam ký hiệp định song phương về BHXH. Qua đó đảm bảo người LĐ đã đóng BHXH tại nước họ sẽ không phải đóng tại Việt Nam và ngược lại…
Đáp lại các ý kiến trên, phía Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nghị định không chỉ nhằm cụ thể hóa các quy định của luật, mà còn đảm bảo việc thực thi các điều ước, cam kết quốc tế Việt Nam. Đồng thời, đảm bảo cả quyền lợi LĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, chính sách BHXH với LĐ nước ngoài còn thể hiện trách nhiệm và sự bình đẳng giữa LĐ trong và ngoài nước.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, lao động nước ngoài tại Việt Nam liên tục tăng nhanh những năm qua. Giai đoạn 2011-2016, số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng từ 63.557 người lên 83.046 người. Trong đó, lao động đến từ các nước châu Á chiếm 73%, châu Âu chiếm 21,6%... Ngược lại, hiện Việt Nam có khoảng 580.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Theo Lê Hữu Việt / Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN