Bản án cho cậu học sinh lớp 10 và cách yêu thương sai lầm của cha mẹ

Hãy yêu thương con cái bằng sự nghiêm khắc để con trưởng thành và sống có trách nhiệm.
Đứng trước hội đồng xét xử là hai bị cáo chỉ mới 16 tuổi và đang là học sinh lớp 10.
Cả hai vướng vào vòng lao lý chỉ vì muốn thể hiện bản lĩnh “đàn anh”. Để rồi, tương lai phải chựng lại, bao nhiêu lo lắng lại dồn lên vai người làm cha, làm mẹ.
Nẹt pô xe để thể hiện đẳng cấp
Vụ án xảy ra tại địa bàn quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) mà các bị cáo chỉ đang là học sinh lớp 10. Cũng chỉ vì muốn thể hiện mình “pro” mà phải ngậm ngùi tiếc nuối.
 Nhiều học sinh vi phạm pháp luật bởi cách yêu thương sai lầm của bậc làm cha mẹ. Ảnh: Hồng Long/giaoduc.net.vn.
Tuấn cùng một người bạn đang là học sinh lớp 10, một lần cả hai chở nhau đi lấy mũ bảo hiểm. Trên đường đi do cả hai cố tình nẹt pô xe thật lớn để thể hiện “đẳng cấp”.
Cả hai cười hí hững, đắc chí với màn trình diễn nẹt pô xe của mình. Do phát ra tiếng động lớn nên một thanh niên đi trên đường nhắc nhở nhưng cả hai vẫn không chịu dừng lại.
Nam thanh niên này thấy vậy đã chặn đường dọa đánh hai học sinh này, nhưng sau đó tha cho đi.
Tưởng rằng mọi chuyện chỉ dừng lại tại đó, nhưng Tuấn vẫn ấm ức trong lòng nên rủ bạn kiếm gạch quay lại ném trả thù.
Sau khi quay lại cả hai dùng gạch để ném vào nam thanh niên kia, nhưng nào ngờ “gạch không có mắt” nên đã trúng vào một bé gái đang ngồi ăn cơm gần đó gây thương tích 32%.
Tại phiên tòa chủ tọa hỏi gì hai bị cáo cũng “dạ” lễ phép. Khi được hỏi về vụ án cả hai chỉ cúi đầu xin lỗi và cho rằng vì “sĩ diện” nên mới làm như vậy.
Nói rồi Tuấn xin tòa giảm án vì đang còn nhỏ, hành động do nông nỗi, bồng bột. Mẹ của Tuấn có mặt tại tòa với tư cách người giám hộ cho con mình khóc nức nở xin tòa cho con mình được hưởng án treo để về tiếp tục theo học và hứa sẽ dạy con ngoan hơn
Mẹ của Tuấn khóc tức tưởi rồi than “con đi tù rồi, chén cơm tù ai bới cho con đây”. Không ít người dự khán rơi nước mắt trước nỗi lo rất đời thường của người mẹ.
Riêng Tuấn mếu máo “con biết con sai rồi, tòa cho con về nhà đi học”. Nghe con trai nói, mẹ Tuấn khóc nức nở: “nó còn dại lắm, ngoài việc học chẳng biết làm gì, từ miếng ăn, giấc ngủ, đến việc tắm mẹ vẫn còn nhắc. Nay nó đi tù làm sao tôi yên tâm cho đặng”.
Bà mẹ thở dài rồi nước mắt lại ngập ngụa rồi bà kể về hoàn cảnh gia đình bà.
Hãy nghiêm khắc với những sai phạm của con
Tuấn là con trai duy nhất trong gia đình, chồng bà mất từ khi Tuấn chưa đầy 4 tuổi, từ nhỏ Tuấn đã thiếu thốn tình cảm vì mất cha.
Cộng thêm Tuấn là con trai độc nhất nên mẹ dành hết tình cảm cho Tuấn để mong bù đắp.
Bà nói: “Dù nhà nghèo, nhưng hễ nó muốn gì là tôi chiều theo để nó vui, tôi ngỡ như vậy là bù đắp những thiếu thốn nào ngờ… “. Nói rồi bà thở dài rồi rầu rĩ “có lẽ vì vậy mà nó sinh hư”.
Được mẹ cho đi học, nhưng Tuấn lại theo đám bạn lêu lổng, chơi bời. Tại phiên tòa, khi chủ tọa phiên tòa hỏi tại sao lại kiếm gạch ném người. Tuấn thản nhiên “vì người kia dọa đánh, ghét quá nên con ném gạch hù”.
Hội đồng xét xử cho rằng, vì bản tính hung hăng, hiếu thắng của Tuấn nên hành động theo bản năng, thiếu suy xét.
Mặc dù bị cáo còn nhỏ, đang tuổi đi học, nhưng xét hành vi là côn đồ, thể hiện bản tính hung hăng của bị cáo nên cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội để giáo dục, răn đe. Sau đó hội đồng xét xử tuyên phạt Tuấn 18 tháng tù.
Nghe tòa tuyên án, người mẹ lại quỳ sụp, bà than thở: “tôi hứa nuôi nó sung túc không kém bạn bè cùng trang lứa, nay để con bị án tù, rồi tương lai nó ra sao.
Vào tù rồi, ai bới cơm nó ăn, ai nấu nước nó tắm, rồi ai lo cho nó giấc ngủ đây”.
Một vị hội thẩm giải thích và khuyên bà rằng “thương con không có nghĩa là luôn bên con và chiều theo ý con.
Mà phải có định hướng và rèn con những thói quen tốt. Trước sai lầm của con phải cứng rắn phạt nghiêm”.
Nghe tòa nói, bà lại sụt sùi “tôi biết phải cứng rắn với con lần này…” nhưng nước mắt bà vẫn đầm đìa “vào đó rồi, ai bới cơm nó ăn đây”.
Sau phiên tòa, chủ tọa cũng đã nán lại vài phút để gặp người nhà của bị cáo. Chủ tọa ân cần chia sẻ rằng “hãy yêu con bằng sự nghiêm khắc và chính trực. Hãy cho con điều kiện sửa sai nhưng cũng đừng quá dễ dãi với sai phạm của con”.
Theo Hà Dung/Giaoduc.net.vn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN