Bài thuốc hỗ trợ trị viêm đường tiết niệu từ bí đao

Bí đao vị ngọt nhạt, tính mát không chỉ là món ăn tốt cho người thừa cân béo phì, người bị phù nề mà còn có có tác dụng hỗ trợ trị bệnh đái tháo đường, cảm nóng, viêm đường tiết niệu, bệnh thận, bệnh gan, bệnh đường hô hấp… 

Món ăn – bài thuốc ngon từ bí đao

Cháo bí đao: Bí đao tươi cả vỏ 100g, gạo tẻ 50g. Bí xanh rửa sạch thái miếng nhỏ, gạo tẻ vo sạch, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, mỗi ngày ăn vài lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng và làm hết khát; rất thích hợp với những người thừa cân béo phì, người bị phù nề, tiểu đường, cảm nắng, cảm nóng, viêm đường tiết niệu, trẻ em bị bệnh ngoài da trong mùa hè.

Chè bí đao: Bí đao 250g, gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng rồi đem nấu nhừ, chế thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày, dùng liên tục 5 – 7 ngày. Thích hợp với những trường hợp có sốt cao, ho nhiều.

Canh bí đao sườn lợn: Bí đao 150g, xương sườn lợn 100g. Đem xương sườn hầm nhừ gạt bỏ váng mỡ rồi cho bí đao, hành và gia vị vào nấu thành canh ăn. Dùng cho trường hợp gãy xương tại chỗ sưng nề nhiều.

Cháo bí đao món ngon chữa nhiều bệnh - Ảnh minh họa

Nước vỏ bí đao: Vỏ bí xanh 60g, râu ngô 60g, vỏ quả cau 30g. Tất cả rửa sạch, sắc với 4 bát nước lấy còn 1 bát, hoà thêm một chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hoá thạch.

Bí đao nấu đậu răng ngựa: Vỏ bí đao 100g, tàm đậu (đậu răng ngựa) 100g, nước 2l. Tất cả cho vào nồi nấu trong 2 giờ rồi bỏ bã lấy nước uống trong ngày.

Công dụng: kiện tỳ trừ thấp, lợi thủy tiêu thũng. Theo y học cổ truyền, đậu răng ngựa vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, lợi tiểu tiện và cầm máu, thường được dùng làm thực phẩm cho những người tỳ vị hư yếu, ăn chậm tiêu, phù thũng, tiểu tiện bất lợi, nôn ra máu, phụ nữ có thai không đau bụng mà thỉnh thoảng ra máu (thai lậu).

Chè bí đao + ý dĩ: Bí đao 350g, ý dĩ sống 50g, đường trắng lượng vừa đủ. Bí đao gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng; ý dĩ đãi sạch. Hai thứ đem nấu chín, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.

Món này tốt cho người bị phì đại tuyến tiền liệt thể bàng quang thấp nhiệt.

Nước bí đao + lá sen: Bí đao 200g, lá sen 1 cái, nước 1 lít. Bí đao rửa sạch, thái miếng; Lá sen thái vụn. Hai thứ cho vào nồi nấu trong 1 giờ, pha thêm một chút muối, dùng làm nước giải khát.

Công dụng: thanh nhiệt, giải thử trừ phiền, lợi thủy tiêu thũng, sinh tân chỉ khát. Dùng rất tốt cho những người bị mụn nhọt, viêm loét miệng lưỡi, béo phì, rối loạn lipid máu, viêm đường tiết niệu...

Bí đao là món ăn vị thuốc tốt - Ảnh minh họa

Loại thực vật tốt cho sức khỏe

Bí đao rất tốt cho sức khỏe. Hàm lượng nước của bí đao nhiều, chất cùi non mịn, thanh đạm ngon lành mà lại không có chất béo.

Theo Đông y, bí đao vị ngọt, tính hàn có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng, tiêu đờm cắt ho, giảm béo, là thức ăn bổ cực tốt trong mùa nóng. Các nhà y học thời xưa thường dùng bí xanh để chữa các bệnh về da như chứng tàn nhang, chứng mề đay...và còn dùng bí đao chế thành thuốc làm đẹp bôi mặt.

Theo nghiên cứu hiện đại, trong bí đao ngoài chứa protein, chất đường và chất xơ thô ra, còn chứa các loại vitamin và muối vô cơ mà cơ thể cần thiết.

Cứ 500g bí đao có chứa 8g đường, 1,5g albumin, 6,1g vitamin C và canxi, phốt-pho, sắt, vitamin B1, B2

Bên cạnh đó, bí đao chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và tóc. Bí đao có tác dụng trong phòng, chữa một số bệnh như: táo bón, giảm viêm tấy, chống ho, hen suyễn…

Bí đao là loại quả có khả năng sinh nhiệt thấp, hàm lượng chất béo gần như không có. Đặc biệt, hợp chất hóa học có tên hyterin-caperin trong bí đao có khả năng ngăn không cho đường chuyển hóa thành mỡ, khả năng làm giảm tích tụ mỡ trong cơ thể nên nó là vị thuốc lý tưởng để chữa bệnh béo phì.

Mỗi ngày nên uống từ 0,2 - 0,5 lít nước bí đao để giúp giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên cần chú ý rằng, bởi bí đao có tính mát nên đối với những người có cơ địa lạnh thì nên bắt đầu với liều lượng ít rồi tăng dần để có thể thích nghi.

Thịt quả bí đao chứa nhiều chất xơ dạng sợi rất có lợi cho tiêu hóa. Ngoài ra, các vitamin B9, vitamin C, vitamin E, vitamin A và các khoáng chất như: Kali, Phospho, Magie có trong bí đao cũng góp phần giúp vòng eo thon gọn, tránh tích lũy mỡ ở bụng. Vỏ bí đao chứa nhiều vitamin và chất khoáng nên thay vì bỏ đi thì có thể ăn cả vỏ, đặc biệt là khi quả còn non.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn

(Nguyên Trưởng khoa Đông Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn