Các bác sĩ khoa hóa chất, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ung thư buồng trứng mới phát triển, nó có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Khi ung thư buồng trứng xuất hiện các triệu chứng, chúng thường được biểu hiện dưới dạng các triệu chứng của một số cơ quan khác.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể bao gồm: Chướng bụng hoặc căng bụng, cảm thấy no nhanh khi ăn, giảm cân, khó chịu ở vùng xương chậu, mệt mỏi, đau lưng, thay đổi thói quen đại tiện, chẳng hạn như táo bón, nhu cầu đi tiểu thường xuyên…
|
Ung thư buồng trứng - Ảnh minh họa |
Nhiều loại ung thư buồng trứng
Hiện nay vẫn chưa có công bố nào cho thấy rõ nguyên nhân gây ra ung thư buồng trứng, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy đã xác định được những yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.
Ung thư buồng trứng bắt đầu khi các tế bào trong hoặc gần buồng trứng đột biến ở mức độ DNA gây ra tình trạng phát triển ồ ạt và nhân lên nhanh chóng mất kiểm soát, tạo thành khối u của các tế bào ung thư. Các tế bào ung thư tiếp tục phát triển, xâm lấn các mô gần và tách ra khỏi khối u ban đầu để lan rộng (di căn) đến các mô và bộ phận khác của cơ thể.
Phân loại ung thư có vai trò quan trọng trong xác định phương pháp điều trị, tiên lượng. Các loại ung thư buồng trứng bao gồm:
Ung thư tế bào biểu mô buồng trứng. Đây là loại phổ biến nhất. Nó bao gồm một số phân nhóm, bao gồm ung thư biểu mô thanh dịch và ung thư biểu mô nhầy.
Ung thư tế bào mô đệm. Những khối u hiếm gặp này thường được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn so với các loại ung thư buồng trứng khác.
Ung thư tế bào gốc. Những loại ung thư buồng trứng hiếm gặp này có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng
Tuổi cao: Nguy cơ ung thư buồng trứng tăng theo tuổi tác và bệnh thường được chẩn đoán ở người lớn tuổi.
Thay đổi gen di truyền: Một tỷ lệ nhỏ ung thư buồng trứng là do những thay đổi gen mà bạn thừa hưởng từ cha mẹ. Các gen làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng bao gồm BRCA1 và BRCA2. Những gen này cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Một số thay đổi gen khác được biết là làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, bao gồm những thay đổi gen liên quan đến hội chứng Lynch và các gen BRIP1, RAD51C và RAD51D.
Tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng: Nếu bạn có họ hàng huyết thống đã được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Thừa cân hoặc béo phì: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh: Sử dụng liệu pháp thay thế hormone để kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Lạc nội mạc tử cung: Bệnh lạc nội mạc tử cung là một rối loạn thường gây đau đớn, trong đó mô tương tự như mô lót bên trong tử cung của bạn phát triển bên ngoài tử cung.
Độ tuổi bắt đầu và kết thúc kinh nguyệt: Bắt đầu kinh nguyệt ở độ tuổi sớm hoặc bắt đầu mãn kinh ở độ tuổi muộn hơn, hoặc cả hai, có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Chưa bao giờ mang thai: Nếu bạn chưa bao giờ mang thai, bạn có thể có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.
Cách phòng ngừa ung thư buồng trứng
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư buồng trứng. Nhưng có thể có những cách để giảm nguy cơ:
Cân nhắc dùng thuốc tránh thai. Uống thuốc tránh thai làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Nhưng những loại thuốc này có rủi ro, vì vậy hãy thảo luận với bác sĩ chuyên khoa xem lợi ích có lớn hơn những rủi ro đó dựa trên tình trạng của bạn hay không.
Thảo luận với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ của bạn như: tiền sử gia đình mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng. Tư vấn di truyền, xét nghiệm di truyền. Nếu phát hiện có đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, bạn có thể cần chế độ theo dõi chặt chẽ hơn và xét cắt bỏ buồng trứng khi có chỉ định.