Bác sĩ lo ngại tổn thương phổi hậu Covid

Tình trạng tổn thương phổi sau khi khỏi Covid-19 tạo điều kiện cho một số loại siêu vi như phế cầu khuẩn, cúm xâm nhập, tấn công hệ hô hấp.

Mới đây một bệnh nhân cao tuổi khỏi Covid-19 hai tháng được đưa vào bệnh viện cấp cứu do đau nhói ngực trái và khó thở. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm phổi nặng do vi khuẩn phế cầu tấn công, có khối áp xe (ổ nhiễm trùng) bên phổi phải, tràn dịch màng phổi. Các bác sĩ đã phải đặt ống dẫn lưu từ màng phổi, lấy ra gần một lít mủ trắng đục và cho dùng thuốc kháng sinh.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị tổn thương phổi dù đã khỏi Covid-19 do tình trạng tăng đông máu. Bệnh không gây suy hô hấp cấp nhưng hình thành các cục máu đông nhỏ li ti, làm tắc các mạch máu nhỏ trong phổi, dẫn đến hoại tử mô phổi, tạo thành các ổ áp xe, tạo điều kiện cho vi khuẩn phế cầu xâm nhập.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP HCM, có những người mắc Covid-19 và tử vong nhưng không phải chỉ do nCoV mà còn là do bội nhiễm các virus, vi khuẩn khác, trong đó có phế cầu khuẩn. Những tác nhân này tồn tại sẵn trong hầu họng và không khí sẽ chực chờ tấn công khi cơ thể suy yếu, đặc biệt là những người lớn tuổi, người có bệnh nền.

Nhiều khả năng Covid-19 sẽ tồn tại lâu dài như các bệnh cúm mùa, nên xem đây là bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành). Đa số nước trên thế giới đã không xem Covid-19 là đại dịch, muốn trở lại cuộc sống "bình thường cũ" chứ không phải "bình thường mới". Sống chung với Covid-19 nghĩa là tình trạng tái nhiễm Covid-19 và đồng nhiễm Covid-19 với các bệnh truyền nhiễm khác sẽ luôn hiện hữu, cần phải chuẩn bị phòng ngừa từ sớm, bác sĩ Khanh nhận định.

Với Covid-19 việc tái nhiễm là hết sức bình thường vì có nhiều chủng như Delta, Omicron hay mới đây là XE. Tùy theo mức độ miễn dịch, tỷ lệ tái nhiễm có thể ở mức 20-30%. Thậm chí, trong vòng một tháng, một người đã từng nhiễm chủng Delta vẫn có khả năng tái nhiễm với chủng Omicron. Nguy cơ sức khỏe bị tàn phá càng rõ ràng hơn với những "cựu F0" có di chứng tổn thương phổi.

BS chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, nhiều nghiên cứu về tình trạng đồng nhiễm với Covid-19 đã phát hiện virus cúm và phế cầu khuẩn thường đồng hành với nCoV. Trong đó, virus cúm gây bệnh bằng cách bám vào tế bào niêm mạc mũi, hầu họng, làm các tế bào này bị tổn thương. Lúc này, nếu mắc thêm các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác như phế cầu hay nCoV, hệ thống miễn dịch sẽ bị quá tải và hậu quả nghiêm trọng hơn so với mắc riêng mỗi bệnh.

Phế cầu khuẩn thường trú ở đường hô hấp trên của 30-75% trẻ em khỏe mạnh; 30% người lớn. Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn phổ biến nhất liên quan đến các bệnh đồng nhiễm hay nhiễm trùng thứ phát (bội nhiễm). Nếu một người đồng nhiễm Covid-19 và phế cầu, khả năng tử vong tăng lên 7-8 lần so với những người bình thường; những người bị phế cầu xâm lấn từ 3-27 ngày sau đó họ bị nhiễm Covid-19, khả năng tử vong tăng lên gấp ba lần.

Để tránh bị virus, vi khuẩn thừa cơ hội tấn công trong giai đoạn hậu Covid-19, nhiều tổ chức y tế đã khuyến cáo người dân nên tiêm sớm các vắc xin có tác dụng bảo vệ đường hô hấp. Theo nghiên cứu của Kaiser Permanente (Tổ chức chăm sóc y tế hàng đầu ở Mỹ), người từ 65 tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng phế cầu Prevenar 13 có 35% giảm nguy cơ mắc Covid-19; 32% giảm nguy cơ nhập viện do Covid-19, 32% giảm nguy tử vong do Covid-19.

Khánh Thủy