Bác sĩ "chạy đua với tử thần" cứu người bệnh nhồi máu cơ tim nguy kịch

Nếu không được điều trị nhanh chóng, sốc tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Biến chứng nguy hiểm khác là gây tổn thương không phục hồi tại gan, thận và một số cơ quan khác do bị thiếu cung cấp oxy.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã phải kích hoạt phương án tối cấp để giành lại mạng sống cho bệnh nhân người đàn ông nước ngoài bị sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lệch.

Cuộc chiến sinh tử

Ngày 31/12, khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận và cứu sống một bệnh nhân đặc biệt – ông N.K., 53 tuổi, quốc tịch Ấn Độ.

Theo đó, ông N.K. nhập viện với tình trạng rất nguy kịch: sốc tim, huyết áp tụt nghiêm trọng (70/40 mmHg), nhịp tim chậm (50 ck/phút). Chẩn đoán ban đầu xác định: Sốc tim – Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, đến viện vì đau ngực dữ dội.

Đặc biệt, hình ảnh chụp động mạch vành qua da cho thấy tổn thương cực kỳ nghiêm trọng trên 3 thân động mạch chính:

• Động mạch RCA hẹp 99%.

• PDA tắc hoàn toàn.

• LAD hẹp 95%, LCx bị tắc mãn tính.

Bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

Trước tình huống nguy kịch, đội ngũ bác sĩ đã kích hoạt ngay "phương án tối cấp": Dùng vận mạch để nâng huyết áp đang rơi tự do. Đặt máy tạo nhịp tạm thời, giữ nhịp tim ổn định. Can thiệp mạch vành ngay lập tức bằng kỹ thuật cao, triển khai đặt 3 stent phủ toàn bộ các tổn thương nguy hiểm.

Chỉ trong thời gian ngắn, với trình độ chuyên môn vượt trội và sự phối hợp nhuần nhuyễn của Bác sĩ Piter và cộng sự khoa Tim mạch, ca can thiệp đã thành công. Khi stent cuối cùng được đặt, trái tim của ông N.K. đã hồi phục lại nhịp đập bình thường.

Sau ca can thiệp, ông N.K. tỉnh táo hơn, huyết áp ổn định, cảm giác đau ngực giảm rõ rệt. Bệnh nhân đã được ra viện trong niềm vui và sức khoẻ đã hồi phục sau 5 ngày điều trị.

Ca can thiệp cấp cứu đặt 3 stent cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Sốc tim rất hiếm nhưng thường gây tử vong

BSCK II Nguyễn Quốc Việt, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho biết, sốc tim là tình trạng tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường gây ra bởi một cơn đau tim nghiêm trọng. Sốc tim rất hiếm, nhưng thường gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.

Dấu hiệu và triệu chứng của sốc tim bao gồm: Thở nhanh; Hơi thở ngắn; Nhịp tim nhanh, đột ngột; Mất ý thức; Tim đập yếu; Hạ huyết áp; Đổ mồ hôi; Da nhợt nhạt; Tay chân lạnh; Nước tiểu ít hoặc vô hiệu; Triệu chứng của 1 cơn đau tim

Theo BSCK II Nguyễn Quốc Việt, sốc tim thường xuất hiện sau cơn đau tim. Vì vậy, điều quan trọng không kém là nên biết các dấu hiệu và triệu chứng của 1 cơn đau tim:

Cơn đau có tính chất quặn thắt, đau từng cơn hoặc đau liên tục ở giữa lồng ngực trong vòng vài phút hoặc có thể kéo dài hàng giờ.

Cơn đau lan xuống vai, một hoặc 2 cánh tay, lưng, răng, hàm răng

Cơn đau ngực tăng lên khi vận động hay gắng sức

Hơi thở ngắn, thở nhanh

Đổ mồ hôi, tay chân lạnh

Đột nhiên chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn

Tìm kiếm sự giúp đỡ y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên để hạn chế tối đa nguy cơ sốc tim.

Nguyên nhân gây ra sốc tim là do:

-Nếu tâm thất trái không được cung cấp máu giàu oxy, cơ tim sẽ yếu đi dẫn đến giảm khả năng co bóp gây sốc tim.

-Nếu tâm thất trái không được cung cấp máu giàu oxy, cơ tim sẽ yếu đi dẫn đến giảm khả năng co bóp gây sốc tim.

- Trong hầu hết các trường hợp, việc thiếu cung cấp oxy đến tim, thường sau cơn đau tim, làm giảm khả năng bơm máu của tâm thất trái. Cơ tim sẽ yếu đi dẫn đến giảm khả năng co bóp gây sốc tim.

- Việc tổn thương tâm thất phải, là buồng tim đóng vai trò đẩy máu đến phổi để làm giàu oxy ít khi gây ra sốc tim.

Các nguyên nhân khác có thể gây ra sốc tim bao gồm: Viêm cơ tim; Viêm màng ngoài tim; Tim hoạt động yếu đi do bất kỳ nguyên nhân nào; Ngộ độc hoặc sử dụng thuốc quá liều gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim

Các yếu tố nguy cơ gây sốc tim là do: Tuổi già; Có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc cơn đau tim; Tắc nghẽn (bệnh động mạch vành) ở một vài động mạch chính trong tim; Người bị bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp; Nữ giới có nguy cơ bị sốc tim cao hơn nam giới

Nếu không được điều trị nhanh chóng, sốc tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Biến chứng nguy hiểm khác là gây tổn thương không phục hồi tại gan, thận và một số cơ quan khác do bị thiếu cung cấp oxy.

Cách phòng ngừa sốc tim

Kiểm soát huyết áp: Cách tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ bị sốc tim là thay đổi lối sống để giữ cho tim khỏe mạnh và kiểm soát huyết áp.

Không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động: Sau vài năm bỏ thuốc lá, nguy cơ đột quỵ của người hút thuốc sẽ giảm xuống tương đương với người bình thường.

Điều chỉnh cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, bệnh tim mạch và đái tháo đường dẫn đến lên cơn đau tim và sốc tim. Giảm cân nặng khoảng 10 pounds (4,5kg) có thể làm hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol máu.

Duy trì chế độ ăn ít cholesterol và chất béo bão hòa: Hạn chế thức ăn giàu cholesterol, đặc biệt là chất béo bão hòa làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Tránh thức ăn giàu chất béo chuyển hóa.

Hạn chế sử dụng rượu và thức ăn ngọt: Việc làm này có thể giúp bạn tránh thức ăn giàu năng lượng nhưng ít dinh dưỡng, đồng thời giúp duy trì vóc dáng cân đối.

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có thể giúp làm hạ huyết áp, tăng lượng chất béo có lợi (HDL) và giúp tim hoạt động khỏe mạnh. Bạn có thể thực hiện bằng cách duy trì tập thể dục 30 phút mỗi ngày với một số hoạt động như đi bộ, chạy bộ, đi bơi hoặc đạp xe.

Nếu bạn lên cơn đau tim, cách tốt nhất để phòng ngừa sốc tim là được đưa đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt

Thúy Nga