Bà Trương Mỹ Lan đã nộp khắc phục hậu quả bao nhiêu tiền?

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết đã chủ động gửi đơn lên Cục Thi hành án Dân sự (THADS) TPHCM, bày tỏ mong muốn thực hiện thi hành án chủ động để khắc phục hậu quả vụ án.

Ba Truong My Lan da nop khac phuc hau qua bao nhieu tien?

Bị cáo Trương Mỹ Lan.  

Trong tuần đầu của phiên xét xử phúc thẩm, vụ án liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm đã có nhiều diễn biến đáng chú ý. Trong đó, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội nhưng xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xin HĐXX cấp phúc thẩm xem xét bản án sơ thẩm một cách thấu đáo và đánh giá lại hành vi phạm tội, bối cảnh phạm tội của bị cáo. Bị cáo Lan xin tòa xem xét hoàn trả nhiều tài sản đang bị kê biên vì cho rằng một số tài sản này là của gia đình, không liên quan trực tiếp đến vụ án.

Bị cáo Lan cũng cho biết đã chủ động gửi đơn lên Cục Thi hành án Dân sự (THADS) TPHCM, bày tỏ mong muốn thực hiện thi hành án chủ động để khắc phục hậu quả vụ án. Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, từ sau khi xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 đến nay, bị cáo và gia đình đã nộp khắc phục số tiền 3.967 tỉ đồng. Mới đây, tại phiên xét xử phúc thẩm giai đoạn 1, Công ty Cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam nộp 80 tỉ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan và nộp 7,5 tỉ đồng cho bị cáo Chu Lập Cơ. Tất cả số tiền này đã nộp vào tài khoản của cơ quan thi hành án tại Kho bạc nhà nước.

Tại phiên tòa, các công ty liên quan vụ án như Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) đã đồng ý hoàn trả số tiền hơn 6.000 tỉ đồng mà Trương Mỹ Lan chuyển cho họ từ nguồn vốn SCB, với điều kiện hủy các hợp đồng ký kết và giải tỏa kê biên tài sản của họ. Bên cạnh đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng đã rút kháng cáo và chấp nhận hoàn trả hơn 2.882 tỉ đồng đã nhận từ Công ty Sunny Island của bị cáo Lan, qua đó sẽ nhận lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chuyển giao...

Tại phiên tòa, các cá nhân và pháp nhân liên quan trong vụ án cũng có các động thái khắc phục hậu quả về nghĩa vụ tài chính. Trong đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II, ở phiên sơ thẩm bị án tù chung thân về tội nhận hối lộ. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nhàn cho biết đã nộp lại toàn bộ 5,2 triệu USD tiền hối lộ và thêm 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả, đồng thời xin được giảm nhẹ hình phạt do hoàn cảnh sức khỏe và gia đình khó khăn.

Ngày 12/11, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục với phần tranh luận và đề nghị mức hình phạt cho các bị cáo từ đại diện Viện kiểm sát.

Theo cáo trạng, trong suốt 10 năm thâu tóm Ngân hàng SCB, bị cáo Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10.2022, nhóm của bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.000 tỉ đồng gốc và lãi.

Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 4.2024, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Lan mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ. Sau khi trừ đi một số khoản vay đã được tất toán sau khi khởi tố vụ án, bị cáo Lan còn phải bồi thường gần 674.000 tỉ đồng cho SCB. Bị cáo Lan sau đó cùng 47 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 11/11, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TPHCM (THADS TPHCM), cho biết liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, nhằm khắc phục theo Bản án số 157/2024/HS-ST ngày 11-4-2024 của Tòa án nhân dân TP HCM, công ty và người có liên quan vừa nộp hơn 95 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam nộp 80 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan và nộp 7,5 tỷ đồng cho bị cáo Chu Lập Cơ; chồng của bị cáo Trương Huệ Vân nộp 7,501 tỷ đồng cho bị cáo. Tất cả số tiền này đã nộp vào tài khoản của cơ quan thi hành án tại Kho bạc nhà nước.
Theo Lao Động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN