Ăn khoai tây mắc 5 lỗi này có thể gây hại sức khoẻ

Khoai tây là thực phẩm tốt cho sức khỏe nếu biết sử dụng đúng cách. Nếu sử dụng sai cách, món ăn tưởng chừng lành mạnh này có thể gây ra những tác hại không ngờ.

Khoai tây là thực phẩm phổ biến, giàu dinh dưỡng và rất được ưa chuộng trong các bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ăn khoai tây đúng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nếu sử dụng sai cách, món ăn tưởng chừng lành mạnh này có thể gây ra những tác hại không ngờ.

Dưới đây là một số điều nên lưu ý khi ăn khoai tây:

Ăn khoai tây đã mọc mầm hoặc chuyển màu xanh

Khoai tây khi để lâu hoặc bảo quản không đúng cách sẽ mọc mầm và vỏ chuyển sang màu xanh. Đây là dấu hiệu khoai đã sản sinh ra solanine – một chất độc tự nhiên có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, với các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu ăn với lượng lớn.

Ảnh minh hoạ

Nếu khoai chỉ mới có mầm nhỏ, cần gọt bỏ sâu vùng quanh mầm và phần vỏ xanh trước khi nấu. Tốt nhất nên chọn khoai tây tươi, không có dấu hiệu lạ.

Ăn khoai tây chiên quá nhiều hoặc quá thường xuyên

Khoai tây chiên giòn là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người, nhưng lại chứa nhiều dầu mỡ và acrylamide – một chất có thể hình thành khi chiên ở nhiệt độ cao và được cho là có khả năng gây ung thư nếu tích tụ lâu dài.

Ảnh minh hoạ

Hạn chế ăn khoai tây chiên, nhất là loại mua sẵn hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần.

Ưu tiên các cách chế biến lành mạnh hơn như: luộc, hấp, nướng bằng lò hoặc chiên bằng nồi chiên không dầu.

Kết hợp khoai tây với rau củ, đạm nạc để cân bằng dinh dưỡng.

Ăn khoai tây thay cơm quá thường xuyên

Dù khoai tây là nguồn tinh bột tốt, giàu vitamin C và chất xơ, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn cơm hoặc các loại ngũ cốc khác. Ăn khoai tây quá thường xuyên thay cơm dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu protein, vitamin nhóm B và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể.

Khoai tây nên được sử dụng kết hợp trong khẩu phần ăn, không nên dùng làm thực phẩm chính kéo dài.

Đặc biệt, người bị tiểu đường cần kiểm soát lượng khoai tây nạp vào vì khoai có chỉ số đường huyết cao.

Ăn khoai tây đun nấu quá lâu ở nhiệt độ cao

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoai tây khi được nấu ở nhiệt độ >120 độ C sẽ sản sinh ra một chất gọi là acrylamide, được tìm thấy nhiều trong nhựa, keo, thuốc nhuộm và khói thuốc lá có khả năng dẫn tới một số loại ung thư nguy hiểm.

Ngoài ra, acrylamide cũng là một chất độc thần kinh, có thể gây ra các biến đổi về gene và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Các sản phẩm như khoai tây chiên hay khoai tây chiên kiểu Pháp đều có chứa hàm lượng acrylamide tương đối cao. Vì vậy, tốt nhất bạn nên hạn chế hoặc tránh sử dụng các sản phẩm này.

Để khoai tây đã nấu ở nhiệt độ phòng quá lâu

Ảnh minh hoạ

Khoai tây đã nấu chín nếu để ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc. Các triệu chứng bao gồm tê liệt cơ, khó thở và nhìn mờ. Bảo quản lạnh giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Giang Thu (Tổng hợp)