PGS.TS Mai Duy Tôn – khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai (Hà Nội) – khuyến cáo mùa lạnh là thời điểm bệnh nhân đột quỵ gia tăng đáng kể. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận 10-20 bệnh nhân, tăng khoảng 5-10%. Nguy cơ đột quỵ có thể gặp ở bất cứ ai.
Thị trường đang lưu hành một loại thuốc được quảng cáo có tác dụng dự phòng và điều trị rất tốt cho bệnh nhân đột quỵ là An Cung Ngưu Hoàng Hoàn (viết tắt là An Cung). Dù giá rất đắt (hơn một triệu/hộp một viên, hoặc hơn 3 triệu/hộp hai viên), nhiều người sẵn sàng chi tiền để mua về sử dụng xem như một bảo hiểm cho sức khỏe và yên tâm sẽ không mắc đột quỵ.
Ảnh minh họa.
Một quảng cáo trên mạng xã hội viết: “Khi đột quỵ xảy ra, vấn đề cấp cứu kịp thời rất quan trọng. Vì vậy, khi tai biến xảy ra, bạn cần phải cho người bệnh uống An Cung kịp thời để tránh cho tế bào não bị tổn thương càng ít càng tốt. Mỗi gia đình cần phải dự trữ ít nhất một viên An Cung Ngưu Hoàng Hoàn để dự phòng và cấp cứu”.
Trước thực tế này, ThS.BS Đào Hữu Minh – Phó khoa phụ trách khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Hà Nội) – cho biết: “An Cung không phải là một loại thuốc dự phòng. Đây là một loại thuốc điều trị nhưng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ”.
Theo chuyên gia này, đột quỵ có hai thể khác nhau. Một là đột quỵ thiếu máu cục bộ não – chiếm khoảng 85%, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch. Hai là đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15%, xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.
Khi đó, An Cung chỉ có tác dụng đối với thể đầu tiên – thể nhồi máu. Riêng thể chảy máu não tuyệt đối không được dùng sản phẩm này, bởi chúng sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn. Nhiều bệnh nhân đã hôn mê, xuất huyết nặng sau khi người nhà cho uống An Cung.
“Việc xác định đột quỵ thuộc thể thiếu máu cục bộ não hay chảy máu não phải thông qua chụp CT và do bác sĩ khám lâm sàng. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nếu cần thiết. Việc tự ý mua và cho người nhà đột quỵ dùng thuốc An Cung rất nguy hiểm. Người bệnh muốn dùng thuốc này bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ”, BS Minh khẳng định.
ThS.BS Dương Văn Tâm, BV Châm cứu Trung ương (Hà Nội), cũng khẳng định: “Không có bất kỳ phương pháp nào đề phòng đột quỵ bằng thuốc uống”.
Chuyên gia từng điều trị cấp cứu cho nhiều trường hợp đột quỵ cho biết cách duy nhất dự phòng căn bệnh này là từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc hợp lý. Đồng thời, người bệnh phải điều trị các bệnh kết hợp kèm theo như rối loạn chuyển hóa (đường máu, mỡ máu, cholesterol tăng cao), huyết áp, tim mạch.
“Chỉ những thể nhồi máu não, ở giai đoạn mới bắt đầu trị bệnh, bác sĩ mới đồng ý cho bệnh nhân sử dụng An Cung. Những ca tai biến nặng, dùng thuốc này không có tác dụng mà chỉ làm tốn tiền của người bệnh”, ThS Tâm khuyến cáo.
Cũng theo BS Tâm, việc nhiều gia đình tự ý mua và cho người nhà bị tai biến uống An Cung Ngưu Hoàng Hoàn là rất nguy hiểm bởi trường hợp người bệnh bị xuất huyết não, thuốc sẽ khiến tình trạng tăng nặng. Đồng thời, khi dùng thuốc, các gia đình thường có ý đợi chờ tác dụng của thuốc mà vô ý làm lỡ cơ hội “giờ vàng” điều trị tích cực cho bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng cho biết đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp để ngăn chặn hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương thần kinh sau đột quỵ, tức tránh tàn phế mà không tăng tỷ lệ tử vong.
Vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để xử lý kịp thời, giảm tới mức tối thiểu khối lượng mô não bị tổn thương, bởi thời gian mất là não mất.
Mai Nguyễn (tổng hợp)