Bộ Y tế nhận định, số F0 ngày càng tăng cao, với khoảng 97% trường hợp ở mức độ nhẹ, trung bình, được điều trị và cách ly tại nhà. Thời gian qua người dân muốn mua thuốc điều trị COVID-19 phải do bác sĩ, y sĩ kê đơn dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống, cán bộ y tế.
|
Bộ Y tế đề xuất nhà thuốc tự kê đơn và bán thuốc điều trị COVID-19. Ảnh: Thái Hà
|
Đáng nói chính điều này khiến bệnh nhân chậm được tiếp cận với thuốc trong khi thuốc này được chỉ định cho các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình, được khuyến cáo sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc có kết quả dương tính. Việc cho phép người phụ trách chuyên môn ở các nhà thuốc, quầy thuốc kê đơn nhằm đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc điều trị COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tăng cao.
Bác sĩ, thạc sĩ Lê Văn Đán, Phụ trách Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), nơi đang điều trị bệnh nhân COVID-19, lưu ý trên 80% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì không nên sử dụng thuốc, không nên cho rằng, uống thuốc trước có thể phòng bệnh bởi thuốc có thể có những tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận, đề xuất này có mặt hạn chế bởi Molnupiravir là thuốc mới, cần phải giám sát sự an toàn, tính hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi.
Việc cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc kê đơn có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ và thận trọng dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng mục đích, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Vì vậy, Bộ Y tế quy định, người mua thuốc phải có xác nhận là F0 từ cơ sở y tế. Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải kí một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu kèm một bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người bệnh.
Trước 17h hằng ngày, các cơ sở bán lẻ là nhà thuốc, quầy thuốc việc bán thuốc, tổng hợp, báo cáo kết quả kinh doanh thuốc điều trị COVID-19 về cơ quan quản lí y tế địa phương.
“Đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị COVID-19 dùng uống tại các địa bàn có số ca mắc COVID-19 tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quá tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định”, Bộ Y tế ghi rõ tại văn bản đề xuất.
Hậu quả khó lường nếu sử dụng tràn lan
Nhiều chuyên gia y tế băn khoăn Molnupiravir là loại thuốc mới, hiện chưa được sử dụng rộng rãi trên thế giới và vẫn đang trong quá trình kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam, nhiều nguy cơ có hại nếu không được sử dụng đúng liều lượng và đối tượng.
Dù việc để nhà thuốc kê đơn Molnupiravir sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận thuốc, nhưng bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kĩ các thông tin đã được Bộ Y tế cũng như các chuyên gia hướng dẫn khi sử dụng thuốc Molnupiravir. Theo bác sĩ Khanh, các hiệu thuốc phải có bảng mẫu để các bệnh nhân kê khai thông tin, từ đó kê đơn một cách có kiểm soát.
Về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại: “Việc để các nhà thuốc kê đơn Molnupiravir còn tạo ra một tiền lệ xấu. Trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải như hiện nay, ai sẽ là người giám sát các hiệu thuốc thực hiện nghiêm vấn đề này”.
Thực tế tại Việt Nam người dân dễ dàng mua được các loại thuốc cần bác sĩ kê đơn tại nhà thuốc mà không cần chỉ định nào từ giới chuyên môn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước ta đối mặt với vấn đề kháng kháng sinh. Do đó với loại thuốc đặc trị và được cấp phép có điều kiện như Molnupiravir, nếu để các hiệu thuốc kê đơn, sẽ xảy ra tình trạng sử dụng tràn lan và hậu quả rất khó lường, TS Nga nhận định.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng nói rõ tại Anh, Mỹ, Nhật và một số nước phê duyệt thuốc Molnupiravir sử dụng khẩn cấp, thuốc này chỉ do bác sĩ, y tá đã đăng kí thực hành nâng cao, trợ lí bác sĩ đã được cấp bằng và cấp phép kê đơn theo luật.
“Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thể xem COVID-19 như một bệnh lưu hành bởi tỉ lệ mắc COVID-19 chưa ổn định, có sự khác biệt giữa các địa phương, tỉ lệ tử vong còn cao. Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và các biến thể này có thể gây tái nhiễm khiến tỉ lệ mắc tại các quần thể chưa có tính ổn định.
Ngay cả khi COVID-19 được xem là bệnh lưu hành thì việc quản lí, điều trị cũng không thể tùy tiện bởi đây là một loại bệnh truyền nhiễm, cũng giống như bệnh sởi, bạch hầu, người mắc cần phải được điều trị tại các khoa riêng biệt, tránh lây truyền cho người xung quanh”, TS Nga phân tích.