7 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường dễ bỏ qua

Bệnh tiểu đường là một trong các căn bệnh phổ biến và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về thận, tim mạch, đột quỵ,...

Tiểu đường là bệnh có tình trạng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Đây là nguyên nhân cản trở cơ thể chuyển hóa các chất bột đường thành năng lượng, gây ra hiện tượng đường tích tụ tăng dần trong máu.

Ảnh minh họa

Lâu ngày, sự tích tụ này khiến lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và các bệnh lý khác, tổn thương các bộ phận như mắt, thận…, thậm chí tử vong. Biến chứng tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người mắc bệnh tiểu đường.

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường rất dễ bị bỏ qua, cần lưu ý:

Thường xuyên có cảm giác thèm ăn và đói bụng

Cảm giác ham muốn với đồ ăn sẽ tăng lên bất thường. Quá trình điều hòa glucose và acid béo hoạt động không ổn định. Như vậy dẫn tới tuyến tụy sản xuất nhiều hơn để bù đắp lượng thiếu hụt. Điều này khiến lượng insulin tăng cao trong cơ thể. Do đó bộ não của bạn hiểu rằng bạn luôn cần phải ăn.

Vết thương khó lành

Ảnh minh họa

Lượng đường trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu, gây tổn hại thần kinh, và khiến cơ thể khó khăn hơn trong việc tự chữa lành vết thương.

Mệt mỏi bất thường

Nếu cơ thể thiếu insulin hoặc sản xuất ra loại chất này không đủ thì cơ thể sẽ phát ra sự mệt mỏi giống như không còn chút sức lực nào.

Khô miệng và ngứa da

Vì cơ thể đang tập trung sử dụng chất lỏng để tạo ra nước tiểu, nên độ ẩm không đủ để dùng cho những bộ phận khác. Do đó, tình trạng mất nước và khô miệng có thể xảy ra. Da không được cung cấp nước sẽ trở nên khô, dễ kích ứng và ngứa ngáy.

Tê bì, mất cảm giác ở chân

Cảm giác đau hay tê bì chân được xem là một biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng tổn thương thần kinh, nguyên nhân do glucose tăng cao trong máu.

Ảnh minh họa

Tình trạng glucose tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến tay chân mà còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh khác của cơ thể như dây thần kinh cảm giác nóng, lạnh và đau; dây thần kinh vận động (bệnh lý thần kinh ngoại biên) hay dây thần kinh kiểm soát các hoạt động của dạ dày, nhịp đập của tim… (bệnh lý thần kinh tự chủ).

Sụt cân bất thường

Ảnh minh họa

Khi không thể lấy năng lượng từ thức ăn, cơ thể sẽ bắt đầu “kích hoạt” quá trình đốt cháy cơ và chất béo để lấy năng lượng. Cân nặng có thể giảm dù bạn không thay đổi thực đơn dinh dưỡng.

Đi tiểu thường xuyên hơn

Người thể trạng bình thường đi tiểu từ 4 tới 7 lần một ngày. Trong khi đó, người mắc tiểu đường có số lần thường xuyên hơn, bởi đường trong máu vượt quá khả năng hấp thu của thận. Đường trong nước tiểu tăng cao dẫn tới lượng nước tiểu tăng theo, cùng với tình trạng khát nước sẽ khiến bệnh nhân liên tục uống nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày.

Giang Thu