4 Bộ trưởng trong phiên chất vấn trước Quốc hội: Những phát ngôn 'nóng'

Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (6 -8/11) 4 tư lệnh các ngành NN&PTNT, Công thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông đã có những phát ngôn rất “nóng”, thu hút sự chú ý của cử tri cả nước.
“Tôi được tặng một chiếc khăn, mùi rất thơm, đến hôm nay vẫn còn thơm”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói như trên khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề phát triển sản phẩm từ tơ cây sen sáng ngày 6/11.
“Không ai dự báo được ngày mai giá cả thế nào”, cũng tại phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu như trên khi nói về khâu chế biến và tổ chức thương mại đang để lộ nhiều bất cập.
“Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được chuyện hôm nay được, ngày mai mất. Nền kinh tế thị trường cũng rất khó đấy, không ai dự báo được ngày mai cái gì giá thế nào cả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
“Người Việt Nam cũng có quyền ăn những sản vật ngon”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định như trên khi trả lời đại biểu về giải pháp hỗ trợ ngư dân bảo quản tốt sản phẩm?
“Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”, Bộ trưởng Cường nói.
4 Bo truong trong phien chat van truoc Quoc hoi: Nhung phat ngon 'nong'
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
“Bí thư, Chủ tịch tỉnh ra tận sân bay mời đón doanh nghiệp” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nói như trên khi trả lời chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề đời sống người dân Tây Nguyên khó khăn là do giá thành sản phẩm bấp bênh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận dù có nhiều chính sách hỗ trợ, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Một thực tế do họ sản suất bấp bênh, kém hiệu quả. Ông nhấn mạnh giải pháp tập trung kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào tổ chức liên kết cho bà con nông dân, phục vụ sản xuất.
“Trong các tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai rất tích cực, Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí, họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp”, Bộ trưởng Cường nói.
“Đường ra biển sao lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp?" - trả lời câu hỏi của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về tình trạng resort, khách sạn bịt kín đường ra biển của ngư dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nói câu nói trên. Ông cũng cho rằng “tất nhiên Bộ cũng có trách nhiệm phối hợp với địa phương”.
Bộ trưởng Nội vụ liên tục nhận trách nhiệm, khuyết điểm, tự kiểm điểm
“Tôi xin nhận khuyết điểm để một quyết định hơn 20 năm không sửa” – Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã nói như trên khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) sáng 7/11, về việc có quá nhiều chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, gây tốn kém.
“Bản thân tôi cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều”, ông Lê Vĩnh Tân nói.
“Tôi sẽ viết bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng”. Trả lời đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) về việc, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, nhưng gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư để hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân một lần nữa nhận khuyết điểm.
“Tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của bộ trưởng”, ông Lê Vĩnh Tân thẳng thắn nói.
4 Bo truong trong phien chat van truoc Quoc hoi: Nhung phat ngon 'nong'-Hinh-2
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại phiên chất vấn.
“Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình tôi 2 lần” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu như trên khi trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý chậm. Ông nói rằng: “Bộ đã phát văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký, nhưng ít địa phương đăng ký quá. Cho đến khi chúng tôi nhận được 14 bộ và 22 đơn vị thì mới chính thức cho triển khai được. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình tôi 2 lần”.
“Người làm việc tốt không nhiều đâu, phải trả lương xứng đáng” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói như trên khi trả lời về tham nhũng vặt.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt. “Tuy là tham nhũng vặt, là lỗ nhỏ thôi nhưng rất nguy hiểm”, ông Tân nói. Ông cho biết vừa qua Chính phủ ban hành Đề án Văn hoá công vụ, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động triển khai. Thủ tướng cũng đã phát động văn hoá công sở, công chức phải thực sự là công bộc, tinh thần này phải được thổi lên.
Ông nêu thực tế có các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có khi làm 12h đêm không nghỉ. Như Bộ Nội vụ có những ngày làm đến đêm đèn vẫn sáng, các cơ quan khác cũng vậy. “Nhưng người làm việc tốt như thế không nhiều đâu. Vì vậy chế độ lương, thưởng và vị trí việc làm cần phải tính lại. Người nỗ lực phải hưởng mức lương tương xứng chứ không cào bằng như hiện nay”, ông Tân nói.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: “Không có chuyện vô cảm, thờ ơ đối với việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa Việt Nam”
Tại phiên chất vấn sáng ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Chúng tôi cam kết với đại biểu Quốc hội và cử tri sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải là thiếu kiên quyết hoặc một thái độ vô cảm, thờ ơ”, khi trả lời một loạt các chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc nguy cơ hàng hóa Việt Nam gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.
“Tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình” – Bộ trưởng Công Thương đã nói như vậy khi trả lời chất vấn của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về việc nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục Quản lý thị trường với lời hứa là sẽ chấn chỉnh được công tác quản lý thị trường nhưng vẫn còn tình trạng rối loạn về thị trường, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn là vấn nạn và gây bức xúc cho nhân dân.
Bộ trưởng Công Thương thẳng thắn nhìn nhận “Tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình trong thời gian vừa qua là chưa quán xuyến và chưa đảm bảo hết được những yêu cầu trong đấu tranh những mặt hàng gian lận và hàng giả, hàng kém chất lượng” và khẳng định “sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm và tiếp tục tổ chức phối hợp làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”.
4 Bo truong trong phien chat van truoc Quoc hoi: Nhung phat ngon 'nong'-Hinh-3
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
“Lỗ hổng lớn về pháp luật khiến xảy ra các vụ Asanzo, Khaisilk”. Trả lời đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) về nguy cơ hàng nước ngoài lợi dụng các Hiệp định thương mại của Việt Nam để “mượn đường” đi nước thứ ba. Nhiều đại biểu quan tâm về lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là như thế nào?, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trước đây, các doanh nghiệp, nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hoá cũng như xuất xứ hàng hoá, phục vụ cho lưu thông thị trường trong nước. Chính vì vậy, trong một thời gian dài đã diễn ra những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại, xuất xứ lừa dối người tiêu dùng như đã từng chứng kiến vụ Khaisilk.
“Ngoài ra, cũng có câu chuyện chưa rõ ràng trong việc hướng dẫn về ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào trong phần giá trị gia tăng trong sản xuất nội địa dẫn đến có vướng mắc cho một số doanh nghiệp mà đã chứng kiến câu chuyện như Asanzo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Chủ quyền trên không gian mạng”
Trả lời đại biểu Hồ Thị Kim Ngân về việc nhiều tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật, trục lợi bất chính do các mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng ta tuyên bố là một nước có chủ quyền mà chủ quyền không chỉ trong không gian như biển, và đất liền mà chủ quyền trên không gian mạng. Các quy định pháp luật cũng phải theo hướng chúng ta bảo vệ chủ quyền”.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy đã đặt vấn đề, hiện nay nhiều báo chí, thông tin mạng khai thác quá mức thông tin đời tư, gây bất lợi, thiệt hại về kinh tế, gây nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân và cho rằng, có nên có luật Bảo vệ thông tin đời tư, bí mật cá nhân không?”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng: “Hiện nay, cũng do chính chúng ta rất đơn giản trong bảo vệ thông tin cá nhân. Như tôi, cách đây 1 tháng đi làm cái kính, cửa hàng đề nghị điền tên, địa chỉ, số điện thoại, nghề nghiệp… Chúng ta đi mua sắm siêu thị cũng được bảo làm cái thẻ giảm giá, cũng điền tất cả thông tin vào. Chúng ta cũng dễ dãi trong việc đưa thông tin cá nhân”. Đồng thời cho biết, Chính phủ đang xây dựng nghị định bảo vệ thông tin cá nhân chứ không phải một luật như đại biểu đề đạt.
4 Bo truong trong phien chat van truoc Quoc hoi: Nhung phat ngon 'nong'-Hinh-4
 Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đoàn Thị Hảo về việc thời gian qua có tình trạng nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo sách nhiễu, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng: “Khi phóng viên vào thì đã biết doanh nghiệp có cái sai thì doanh nghiệp này cũng muốn lẩn đi, thỏa hiệp. Thỏa hiệp đưa tiền cho nhau. Cho nên nó cũng là câu chuyện hai chiều của các doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng, việc đầu tiên mình làm ăn tử tế và nếu mình làm ăn tử tế thì không ai hại mình được”.
“Chúng ta phải chuyển sang sống trên mạng và dọn dẹp rác ở trên ấy”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói như trên khi trả lời các đại biểu Quốc hội về về tình trạng phát tán, lan truyền những nội dung xấu vẫn diễn ra tràn lan trên mạng.
“Não” người Việt Nam đang bị lưu ở nước ngoài – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói như trên khi trả lời đại biểu Quốc hội. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta nghĩ gì, nói gì, thậm chí yêu ai, mua gì… đều nằm trên mạng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả các thông tin đó đang nằm ở một mạng xã hội. Điều đó có nghĩa rằng, “não” người Việt Nam tập trung ở một chỗ mà ở chỗ đấy hiện nay không nằm ở Việt Nam”.
Xem thêm video: Công tác đảm bảo an toàn kỳ bầu cử

 


Tâm Đức

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN