Mới đây, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho biết tính đến ngày 24/11, bệnh viện ghi nhận 30 trường hợp mắc whitmore - hay còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".
Theo bác sĩ Lâm, trong số 30 bệnh nhân nhiễm bệnh đã có 4 trường hợp tử vong, 1 người chuyển biến xấu phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị.
|
Bệnh nhân mắc bệnh "vi khuẩn ăn thịt người". Ảnh: Tổ Quốc |
Trong đó, bệnh nhân tử vong đầu tiên là ông N.V.B (51 tuổi, ngụ quận Hải An, TP Hải Phòng). Ông B. là 1 trong số những thuyền viên có mặt trên tàu Vietship 1 mắc cạn, chìm trên biển.
3 nạn nhân tiếp theo là ông H.V.V (75 tuổi, ngụ xã Lìa, huyện Hướng Hoá), N.T.L (62 tuổi, ngụ xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) và ông H.C.D (47 tuổi, ngụ xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng).
|
Bệnh nhân mắc bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Tổ Quốc |
Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán do đó khi có ca bệnh nghi ngờ cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp.
Đồng thời, tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được các biện pháp phòng chống bệnh.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…
Để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh whitmore, theo nguồn tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành triển khai thực hiện tập huấn, phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh whitmore đã được Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 6101/QĐ-BYT ngày 30/12/2019 tới toàn thể nhân viên y tế trong đơn vị.
- Biện pháp phòng tránh
- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.
- Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.