3 vụ oan sai khiến PGĐ Công an Sóc Trăng nhận cảnh cáo

Trước đó, nhiều cán bộ trong ban chuyên án đều bị kỷ luật, riêng đại tá Thái Văn Đợi không bị xem xét gì cho đến ngày 6/10 mới bị cảnh cáo.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng vừa triển khai quyết định kỷ luật đại tá Thái Văn Đợi, phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, do có nhiều sai phạm trong công tác, trong đó có ba vụ oan sai xảy ra ở huyện Trần Đề, Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu.
Về mặt chính quyền, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ có văn bản gửi đến Bộ Công an để nơi đây xem xét xử lý.
3 vu oan sai khien PGD Cong an Soc Trang nhan canh cao
Ảnh minh họa. 
Ba vụ oan sai đó là những vụ việc nào?
Trong giấc ngủ vẫn hiện nguyên ngày bị giam, ép nhận tội
Chiều 7-10, tại ấp Giồng Giữa (thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề), gặp chúng tôi, anh Thạch Mươl (30 tuổi, một trong bảy nam, nữ thanh niên bị oan sai trong vụ án giết người xảy ra tháng 7-2013) kể:
"Hôm đó, có người gọi tôi đến ngã ba huyện Mỹ Xuyên để làm việc. Khi tôi đến một quán nước như đã hẹn, các anh công an đã có mặt. Các anh nói có người thấy tôi liên quan đến vụ giết ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, chạy xe ôm).
Tôi khẳng định mình không biết gì về vụ đó nhưng các anh vẫn đưa tôi về, rồi giam tôi ở Công an huyện Mỹ Xuyên".
Anh Mươl kể thỉnh thoảng trong giấc ngủ chập chờn vẫn tái hiện những ngày bị giam, bị ép nhận tội.
"Họ nói tôi và những người bạn của tôi như Trần Văn Đỡ, Trần Hol, Trần Cua, Khâu Sóc, Thạch Sô Phách... giết ông Dũng nên bắt giam. Mặc dù chúng tôi liên tục kêu oan, khẳng định mình không dính líu, nhưng chẳng ai nghe", anh Mươl nghẹn ngào kể.
Anh Mươl kể ăn cơm tù trên 6 tháng thì một hôm cán bộ trại giam thông báo được tha. "May là họ tìm ra người giết ông Dũng để cướp tài sản nên chúng tôi mới được tha, nếu không thì ngồi tù đến mục xương rồi", anh Mươl cho biết.
Không chứng minh được tội phạm
Ngoài vụ án oan sai ở Trần Đề, từ năm 2013 đến 2016, tại Sóc Trăng còn xảy ra nhiều vụ oan sai khác.
Tháng 12-2013, công an bắt tạm giam và khởi tố 5 bị can về tội "giết người" xảy ra tại ấp Trà Canh A (xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành). Sau đó, nhiều bị can được thay đổi tội danh, riêng Đỗ Văn Thừa bị giam trên một năm nhưng được tòa tuyên vô tội, thả tự do.
Ngoài ra còn có vụ oan sai tại thị xã Vĩnh Châu xảy ra sáng 3-8-2012. Hôm đó, Lâm Tài Mấu (37 tuổi, ngụ thị xã Vĩnh Châu) cùng người bạn tên Minh đi nhậu về ngang qua nhà ông Phạm Văn Lé (ngụ thị xã Vĩnh Châu).
Tại nhà ông Lé, hai bên xảy ra cự cãi, dẫn tới việc ông Lé tát vào mặt ông Mấu.
Ông Mấu bỏ đi, nhưng sau đó quay lại mắng chửi ông Lé. Bực tức, ông Lé dùng cây gài cửa đánh ông Mấu bất tỉnh. Sau đó, ông Mấu được phát hiện nằm chết cách nhà ông Lé hơn 1.400m.
Khoảng hai tháng sau, ông Lé và em là Phạm Văn Lến bị bắt.
Đến tháng 7-2013, ông Lến được chuyển tội danh từ "giết người" sang "không tố giác tội phạm". Gần sáu tháng sau, anh em ông Lé được thả.
Đến tháng 12-2014, cơ quan điều tra tỉnh Sóc Trăng đình chỉ điều tra vụ án khi không chứng minh được ông Lé phạm tội.
Anh em ông Lé sau đó gửi đơn đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu được bồi thường oan sai. Qua nhiều lần thương lượng, anh em ông Lé được bồi thường 450 triệu đồng.
Liên quan tới 3 vụ oan sai này, trước đó nhiều cán bộ trong ban chuyên án đều bị kỷ luật, riêng đại tá Thái Văn Đợi, thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, không bị xem xét gì.
Theo Khắc Tâm/Tuổi Trẻ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN