3 anh em chết ngạt khí hầm biogas: Cục chăn nuôi nói gì?

Từ năm 2002 đến nay trên cả nước đã có nhiều trường hợp tai nạn do ngạt khí hầm biogas.
Ngày hôm qua (10.5) tại Hải Dương xảy ra vụ việc ba anh em ruột bị tử vong do sửa hầm biogas, Cục Chăn nuôi có nắm được vấn đề này không thưa bà?
-Tôi có biết sự việc này, đây là điều rất đáng tiếc. Thực tế từ năm 2002 đến nay các vụ việc tương tự như thế đã xảy ra ở khá nhiều tỉnh thành trên cả nước. Điển hình như năm 2016 ở Cà Mau có vụ ngạt khí hầm biogas 3 người tử vong, 6 người phải đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên Cục Chăn nuôi không có trách nhiệm tổng hợp các trường hợp sự cố như thế nên không nắm được con số cụ thể.
3 anh em chet ngat khi ham biogas: Cuc chan nuoi noi gi?
 Từ năm 2002 đến nay trên cả nước đã có nhiều trường hợp tai nạn do ngạt khí hầm bioga. Ảnh IT
Vậy theo nhận định của bà, các sự cố đó do lỗi kỹ thuật xây dựng, vận hành hay do sự bất cẩn của người dân trong quá trình sử dụng sửa chữa hầm bioga?
-Hầm biogas được người dân sử dụng rất lâu rồi, từ thời ông cha ta ngày xưa đã sử dụng. Tuy nhiên đến năm 2003, khi có dự án xây dựng công trình bioga do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ thì chúng ta mới biết đến nhiều quy các phương tiện truyền thông. Dự án đó đến nay vẫn tiếp tục triển khai, hiện có thêm 3 dự án đang trong quá trình triển khai ở các địa phương.
Các dự án xây dựng hầm bioga thuộc Bộ NNPTNT triển khai đều tiến hành rất bài bản và kỹ lưỡng. Khi thực hiện ở địa phương, chúng tôi có tổ chức các buổi tập huấn đào tạo ngắn ngày, dài ngày cho những hộ gia đình tham gia xây dựng hầm bioga, chương trình đào tạo dài nhất là 7 ngày, trong đó ngoài hướng dẫn cụ thể, chúng tôi còn phát rất nhiều tài liệu liên quan, tuyên truyền toàn bộ quy trình xây dựng, vận hành, sửa chữa rất đầy đủ, nếu người dân làm đúng, sử dụng đúng quy trình thì sẽ không xảy ra chuyện gì.
Chúng tôi đã triển khai tập huấn liên tục cho 63 tỉnh thành trên cả nước. Đến nay Dự án xây dựng hầm bioga đã vận hành 500.000 công trình. Và có thể thấy tỉ lệ xảy ra sự cố rủi ro vô cùng thấp. Các rủi ro, tai nạn xảy ra khi người dân xây dựng không đúng, vận hành, sửa chữa không đúng quy trình. Và vụ việc cụ thể ở Hải Dường vừa qua cũng như vậy.
3 anh em chet ngat khi ham biogas: Cuc chan nuoi noi gi?-Hinh-2
Bộ NNPTNT khuyến cáo người dân sử dụng hầm biogas bằng nhựa composite thay thế hầm biogas xây bằng gạch. Ảnh IT 
Thực tế tất cả những hộ dân được xây dựng hầm bioga theo dự án đều phải nắm rõ quy trình, nghiên cứu kỹ lưỡng hướng dẫn sử dụng, người dân biết hết những điều đó, tuy nhiên có thể do sơ ý trong quá trình sửa chữa, họ bị cuống, lúng túng dẫn tới hậu quả ngạt khí, nhẹ thì ngất xỉu, nặng thì tử vong. Có những trường hợp xuống hầm sửa chữa còn kêu cứu được, có những trường hợp ngất xỉu và tử vong luôn, người nhà không biết mà đến cứu.
Quá trình xây dựng nếu làm không đúng kỹ thuật, hầm chứa biogas kém chất lượng, sẽ sinh ra lượng khí rất ít và ảnh hưởng đến khả năng sinh lửa, nhóm lửa sẽ không lên, lâu ngày không thể hoạt động được nữa. Ngoài ra, thì lượng phân và nước thải chưa kịp phân giải sẽ bị đẩy ra ngoài gây mùi hôi thối, mất vệ sinh. Thậm chí ở những nơi nền đất yếu, dễ bị sụt, lún hầm có thể bị rạn nứt, dẫn đến rò rỉ khí gas, gây tác hại nghiêm trọng.
Vậy đối với những trường hợp đáng tiếc xảy ra như thế, Cục Chăn nuôi hay các đơn vị triển khai dự án có hỗ trợ phối hợp với cơ quan liên quan để tìm hiểu, xử lý sự việc không?
-Nếu các hộ dân tham gia dự án gặp sự cố như trên thì dự án đó thuộc đơn vị nào, đơn vị ấy sẽ cử người đến xem xét, kiểm tra lại quy trình ở khu vực đó. Bản thân, Cục chăn nuôi đến nay đã triển khai vận hành 33.000 hầm, nhưng chưa hề xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Còn nếu sự cố xảy ra ở các hộ dân tự ý xây dựng hầm bioga thì các đơn vị triển khai dự án không thể can thiệp được, vì họ không quản lý.
Hải Dương là một trong những tỉnh có đầy đủ tất cả các dự án xây hầm bioga, số lượng xây dựng bioga ở địa phương này rất lớn, có cả các hộ dân tham gia dự án, có cả những hộ dân tự xây dựng hầm. Việc xây dựng hầm chi phí cũng không cao nên nhiều hộ muốn chủ động tự xây dựng. Họ tự xây thì không ai nắm được, chính quyền cũng không thể quản lý vì đây là quyền của các hộ dân.
Trước những sự việc đáng tiếc xảy ra, bà có lời khuyên nào cho người dân khi xây dựng và sử dụng hầm bioga không?
- Điều đầu tiên là các hộ dân phải nắm vững hướng dẫn sử dụng, phải làm theo hướng dẫn sử dụng từ xây dựng, vận hành sửa chữa. Người dân không được chủ quan trong quá trình sử dụng hay sửa chữa. Bà con nên lưu ý không nên tự xây hầm biogas khi chưa đủ chuyên môn và nghiệp vụ. Bà con nên áp dụng và thay thế hoàn toàn hầm biogas composite cho hầm biogas xây bằng gạch thông thường, bởi tính năng tự động phá váng và ít bị mảng bám do composite có bề mặt trơn nhẵn.
Chỉ cần vài tiếng đồng hồ lắp đặt là bà con đã có thể đưa vào sử dụng hầm biogas bằng nhựa composite, với nhiều tính năng ưu việt, đảm bảo an toàn và đặc biệt là ít phải lau dọn như một số hầm biogas xây bằng gạch. Với cấu trúc hình cầu và rất kín khí, có thể tháo rời từng bộ phận, dễ dàng lắp đặt và sửa chữa, chịu lực tốt và có thể lắp đặt với cả địa hình có nền đất yếu bị sụt, lún. Ngoài ra, hầm biogas composite còn có hiệu suất sinh khí cao, tự điều áp khí gas, dễ dàng di chuyển, khả năng phân hủy chất thải tốt giúp tạo ra một nguồn phân bón hữu cơ sinh học chất lượng phục vụ cho trồng trọt.
Xin cảm ơn bà!
"Đối với những hầm bà con tự ý xây dựng, khi xảy ra sự cố, bà con thường tự xử lý hoặc thuê xe hút hầm, nhưng lại không hề có kỹ thuật nên làm cho hầm chóng bị hư hỏng, và tiềm ẩn những nguy hiểm".
(Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Hoa – Trưởng phòng Môi trường, Cục Chăn nuôi)
Theo Đình Thắng/Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN