13 ca bệnh nặng và 2 thai phụ mắc COVID-19 điều trị ra sao?

Hiện Việt Nam có khoảng 13 ca bệnh COVID-19 trong tình trạng rất nặng, nguy kịch và 2 thai phụ mắc bệnh. Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO, trong khi trước lúc bùng dịch ở Đà Nẵng, chỉ có 2 ca phải dùng ECMO.
Hiện cả nước có khoảng 13 ca bệnh COVID-19 trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, trong đó điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế 7 ca, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng 6 ca.
Sáng 4/8, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca tử vong (BN426, BN496) vì suy thận mạn giai đoạn cuối và mắc COVID-19. Như vậy, Việt Nam đã có 8 ca tử vong do dịch COVID-19. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay còn một số bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Mọi diễn biến của bệnh nhân đều được theo dõi sát và được điều hành qua Trung tâm quản lý điều hành hỗ trợ trực tuyến chẩn đoán và điều trị COVID-19 đặt tại Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Ngay 4/8: 13 ca benh nang va 2 thai phu mac COVID-19 dieu tri ra sao?
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 chạy thận nhân tạo tại BV Đà Nẵng. Ảnh: SK&ĐS. 
Hiện bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và một bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã vào Đà Nẵng để đánh giá tình hình, từ đó sẽ có phương án điều chuyển nhân lực phù hợp vào hỗ trợ.
Bác sĩ Cấp cho biết, có 3 yếu tố chính khiến diễn biến dịch COVID-19 ở Đà Nẵng trở nên nguy hiểm. Đầu tiên phải kể đến dịch đã lây lan trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, dịch bệnh tại Đà Nẵng xuất hiện từ tháng 7 đến nay đã trải qua 4-5 chu kì lây nhiễm. Tại Đà Nẵng khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau do đó việc truy vết F0 là không khả thi. Bên cạnh đó, khả năng lây nhiễm ngoài cộng đồng là khá cao.
Bên cạnh đó, dịch tác động vào nhóm bệnh nhân có sức đề kháng rất yếu là người cao tuổi có nhiều bệnh nền phối hợp như suy thận nặng, chạy thận nhân tạo, nhóm bệnh nhân nằm ở khoa Ung bướu, nhóm bệnh nhân khoa Hồi sức tích cực...
Những bệnh nhân này nếu không mắc COVID-19 thì nguy cơ tử vong cũng đã rất cao. Do đó, khi không may bị lây nhiễm virus SAR-CoV-2 thì như "giọt nước tràn ly", nguy cơ tử vong tăng lên rất nhiều.
Cuối cùng và cũng đáng lo là dịch đã tác động đến lực lượng y tế, với một số trường hợp điều dưỡng, bác sĩ mới đây đã được xác định bị lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. “Nếu xu hướng này không được kiểm soát tốt thì việc y, bác sĩ bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân”, bác sĩ Cấp nhận định.

Mời độc giả theo dõi video "Bệnh nhân 428 tử vong vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19". Nguồn: VTC Now.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị hồi sức, thận nhân tạo, tim mạch, từ các BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh... đến tăng cường hỗ trợ cho Đà Nẵng (Riêng BV Bạch Mai đã cử gần 40 giáo sư, bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ cho Đà Nẵng). Cùng với đó, đã tổ chức 6 cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia cho công tác điều trị bệnh nhân.
Trước diễn biến của dịch bệnh ở một số địa phương miền Trung, nhất là ở nhóm bệnh nhân COVID-19 nặng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cử chuyên gia về hồi sức tích cực đến hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cán bộ xét nghiệm hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Sáng nay 4/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã đi kiểm tra công tác sẵn sàng điều trị và thu dung bệnh nhân tại Bệnh viện Quân Y 17, Cục Hậu cần, Quân khu V. Đồng thời kiểm tra công tác sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân của BV Đà Nẵng âm tính với SARS-CoV-2 tại BVĐK Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, “chia lửa” cho Bệnh viện Đà Nẵng.
Bộ Y tế cũng đã có Công điện về tăng cường quyết liệt phòng chống và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh. Công điện gửi Sở Y tế các địa phương về tăng cường phòng chống dịch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Công văn về việc chăm sóc, theo dõi và xử trí phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19, trước thực tế có 2 thai phụ vừa được phát hiện mắc COVID-19....
Thai phụ nhiễm COVID-19 được điều trị ra sao?
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Đà Nẵng ghi nhận 2 phụ nữ mang thai dương tính với SARS-CoV-2. Đó là bệnh nhân 495 mang thai 11 tuần và bệnh nhân 569 mang thai 35 tuần.
Để đảm bảo việc chăm sóc, theo dõi các trường hợp này, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế TP Đà Nẵng xây dựng phương án chăm sóc, điều trị cho thai phụ mắc COVID-19 và trẻ sơ sinh.
Ngay 4/8: 13 ca benh nang va 2 thai phu mac COVID-19 dieu tri ra sao?-Hinh-2
Hai phụ nữ mắc Covid-19 ở Đà Nẵng đang mang thai. Ảnh minh họa: Livescience. 
Sở Y tế TP Đà Nẵng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cùng các quy định khác về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Vụ cũng đề nghị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Đơn vị này phải hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật chăm sóc thai nghén, xử trí đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh. Các đơn vị phải sẵn sàng cho hai tình huống đẻ thường và đẻ mổ, đồng thời xử trí tai biến, bất thường xảy ra trong quá trình theo dõi, điều trị.
Các cơ sở điều trị lưu ý những biện pháp dự phòng lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc thai phụ mắc COVID-19 và trẻ sơ sinh.
Theo Bộ Y tế, đa số phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Một số rất ít mắc bệnh ở thể nặng.
Các nhà khoa học chưa tìm ra bằng chứng khẳng định thai nhi có khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 qua bánh nhau trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển...
Thảo Nguyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN