Ðộng đất sông Tranh 2, ít khả năng tác động đến đập thủy điện

Theo PGS.TS Cao Ðình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, động đất liên tiếp ở khu vực gần hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 ít có khả năng gây tác động đến đập thủy điện Sông Tranh 2.
PGS.TS Cao Đình Triều là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại”.
Ông cho biết, nhiều động đất kích thích (xảy ra do tác động của hồ chứa thủy điện lên đứt gãy đang hoạt động) chỉ xảy ra một thời gian ngắn rồi kết thúc như ở hồ Thủy điện Hòa Bình, động đất kích thích rộ lên khoảng 2 năm rồi dừng.
Ở Thủy điện Sông Tranh 2, động đất bắt đầu từ năm 2012 đến nay. Nguyên nhân là khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có điều kiện địa chất thuận lợi cho động đất kích thích với nền địa chất là đá granite bị dập vỡ.
Động đất kích thích xảy ra trùng với quá trình thay đổi mực nước hồ đột ngột. “Việc hạ thấp hay tăng cao mực nước hồ gây ra sự thay đổi về môi trường sinh chấn, dẫn đến gia tăng động đất”, ông Triều nói.
Theo GS Triều, động đất sẽ tiếp tục xảy ra ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 song sẽ không vượt quá kích động chính (động đất mạnh nhất trong chuỗi các trận động đất kích thích) xảy ra vào ngày 15/11/2012 với độ lớn 4,7 độ richter. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng.
Về tác động đến đập thủy điện, theo PGS Triều, đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế chịu được động đất 5,5 độ richter. Đây là động đất tự nhiên mạnh nhất có thể xảy ra tại khu vực này theo tính toán của các nhà khoa học Việt Nam. Trong khi đó, động đất kích thích mạnh nhất có thể xảy ra là 4,7 độ richter. Vì vậy, ít khả năng bị ảnh hưởng. Thực tế trận động đất kích thích mạnh nhất đã xảy ra song đập vẫn an toàn.
Động đất kích thích ở Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012 khi hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Từ đó đến nay động đất vẫn thường xuyên xảy ra ở khu vực này. Riêng trong tháng 7 vừa qua, 7 trận động đất đã xảy ra.
Theo Nguyễn Hoài/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN