Triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm
Thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính là bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả, diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, từ nay đến giữa năm 2021, thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng. Với các cơ sở có hành vi phát thải gây ô nhiễm không khí, cần kiên quyết xử lý nghiêm. Với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Yêu cầu Sở TN&MT các tỉnh, thành phố đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để có thể theo dõi trực tuyến 24/24h. Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Cần giám sát các làng nghề
Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh thanh tra Bộ TN&MT, sau Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Môi trường đang xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021, trong đó có thể đề xuất thanh tra chuyên đề các nguồn phát thải lớn, giao cho Tổng cục Môi trường thực hiện. Tổng cục đã lên ý tưởng về việc thanh tra diện rộng các nguồn phát thải lớn xung quanh Hà Nội và sẽ triển khai sau khi kế hoạch được phê duyệt.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho rằng, việc kiểm soát các nguồn phát thải lớn là vấn đề mấu chốt để kiểm soát chất lượng không khí của Hà Nội cũng như các địa phương khác. Vì vậy, các nội dung trên cần được triển khai càng sớm càng tốt. Hiện nay, cơ sở pháp lý cho việc xử lý, đình chỉ hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm đã có đầy đủ, vấn đề là sự sẵn sàng vào cuộc, sự quyết liệt của cơ quan chức năng.
Theo TS Tùng, cũng cần lưu ý hoạt động phát thải của các làng nghề. “Chúng ta có hơn 20 nhà máy nhiệt điện, mấy chục nhà máy xi măng… Các nguồn thải này có thể kiểm kê và giám sát qua hệ thống quan trắc tự động liên tục. Tuy nhiên, các nguồn thải từ làng nghề, với công nghệ lạc hậu, thải nhiều chất ô nhiễm là vấn đề rất đáng lo ngại”, ông nói.
Ông Tùng cho rằng, cùng với việc thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng cần đối thoại với doanh nghiệp để giúp họ tìm kiếm lối đi, cải thiện công nghệ phù hợp. “Việc thanh tra, kiểm tra là để hướng tới sửa, chứ không chỉ hướng tới phạt, bởi mục đích cuối cùng là cải thiện công nghệ, giảm phát thải chất ô nhiễm. Vì vậy, cần cho doanh nghiệp lộ trình và hướng dẫn để cải tiến công nghệ. Riêng đối với doanh nghiệp cố tình tìm cách chây ì, vi phạm, cần có biện pháp xử lý mạnh tay”, ông nói. Ông đề xuất, các kết quả rà soát, kiểm tra, thanh tra các nguồn thải lớn cần phải được công khai để cộng đồng biết và cùng giám sát việc thực hiện.
2 tháng, Hà Nội hứng chịu 8 đợt ô nhiễm nghiêm trọng
Theo Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, chỉ trong hai tháng 11 và 12/2020, Hà Nội trải qua 8 đợt ô nhiễm không khí với mức độ ô nhiễm ở ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người) và ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). 23/61 ngày có chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng xấu và rất xấu, chiếm 37,3% tổng số ngày của hai tháng 11 và 12/2020. Từ đầu tháng 1 đến nay, Hà Nội cũng trải qua nhiều ngày ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, trong đó đợt ô nhiễm đang diễn ra dự báo sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới.