Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, ngay khi nhận được thông tin về trường hợp tử vong khi nâng ngực ở Bệnh viện 1A (quận Tân Bình), sở đã cử người đã đến hiện trường trong đêm 18-3, cùng cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nữ bệnh nhân này sinh năm 1989, đến Bệnh viện 1A ngày 18-3 để phẫu thuật nâng ngực và tử vong trong quá trình phẫu thuật tại bệnh viện.
Bác sĩ phẫu thuật là Nguyễn Văn Thiết công tác tại Bệnh viện 30-4 (quận 5), là người hợp tác với Bệnh viện 1A. Bác sĩ Thuyết có chứng chỉ hành nghề được Bộ Y tế cấp ngày 8-5-2014 với phạm vi hoạt động khám bệnh chữa bệnh chuyên khoa ngoại, có bổ sung loại hình phẫu thuật thẩm mỹ; có quyết định của Bộ Y tế ngày 26-8-2021 về bổ sung phạm vi hoạt động phẫu thuật, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình.
Bệnh nhân tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A. Ảnh: N.T
Về gây mê, bác sĩ Võ Văn Tuấn được Sở Y tế TP HCM cấp chứng chỉ hành nghề ngày 21-1-2014 với phạm vi hoạt động khám bệnh chữa bệnh chuyên khoa gây mê hồi sức. Vụ việc đang được Công an quận Tân Bình xử lý. Các thông tin tiếp sẽ được cơ quan điều tra công bố.
Trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Y tế TP HCM với những trung tâm thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ khi xảy ra những trường hợp tử vong, bà Mai cho rằng việc quản lý đối với các cơ sở khám chữa bệnh, dược, kinh doanh trang thiết bị, dịch vụ thẩm mỹ được UBND TP phân bổ cho sở cùng UBND các quận - huyện cùng kiểm tra, thanh tra và xử lý.
"Sau đợt dịch ở TP HCM, các cơ sở thẩm mỹ là điểm nóng thì Sở Y tế đã lập kế hoạch để đi kiểm tra, phối hợp cùng các cơ quan liên quan" - bà Mai nói.
Việc thanh tra, kiểm tra các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn TP HCM, Sở Y tế phải lập kế hoạch báo cáo với UBND TP. Các bệnh viện này cũng sẽ có báo cáo, trao đổi với cơ quan chủ quản. Do đó, việc thanh tra, kiểm tra các bệnh viện trung ương sẽ không dễ dàng như các cơ sở thuộc sự quản lý của thành phố.
Điều tra tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt
Cũng tại buổi họp báo, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP HCM, đã thông tin về những phản ánh của báo chí, người dân về tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP HCM đã gửi công văn đến Công an TP để điều tra, xử lý các trường hợp quấy rối trên xe buýt. Bên cạnh đó, các tiếp viên, tài xế xe buýt cũng được tập huấn xử lý khi xảy ra những tình huống quấy rối. Tuy nhiên, trong quá trình phòng chống tệ nạn này cũng gặp nhiều khó khăn khi một số người dân còn e ngại, không tố giác tội phạm.
"Ngay khi bị quấy rối, người bị hại hãy tố giác để nhận được sự hỗ trợ từ người xung quanh và tài xế, tiếp viên trên xe buýt" - ông Hải khuyến cáo.
Ông Hải cho biết hiện nay, hầu hết ở các nhà chờ xe buýt và các biển thông tin công cộng đều được trang bị camera, các bến bãi cũng có camera theo dõi. Ngoài ra, 100% xe buýt gắn hệ thống định vị GPS, 1.784 xe buýt trong hơn 2.000 xe có lắp camera quan sát, trong thời gian tới sẽ tiếp tục bổ sung.
Toàn cảnh họp báo chiều 21-3
Cũng tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu - Công an TP HCM, thông tin về tình hình tội phạm trong quý I/2022. Cụ thể, đến ngày 15-3, trên địa bàn TP HCM xảy ra 840 vụ phạm tội kể cả hình sự, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 281 vụ. Công an TP đã tiến hành điều tra, xử lý 650 vụ, bắt 1.183 đối tượng.
Nhìn chung, các loại tội phạm - trong đó có cướp giật, trộm cắp tài sản - đã giảm. Tuy nhiên, thượng tá Hà cảnh báo người dân không được chủ quan, lơ là mà phải cảnh giác cao độ. "Không nên giành giật tài sản với tội phạm khi bị cướp, vì rất có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng. Người bị hại cần tri hô, nhờ sự hỗ trợ của những người dân gần đó và báo cho lực lượng chức năng" - thương tá Hà nhấn mạnh.