Theo tìm hiểu của Kiến Thức, TPCN Kim Thần Khang không chỉ được quảng cáo thổi phồng công dụng, mà còn sử dụng giáo sư tiến sĩ, chuyên gia y tế để quảng bá sản phẩm, lập lờ như thuốc chữa bệnh trên nhiều website, các fanpage, như: https://www.kimthankhang.com.vn, https://suynhuocthankinh.vn...
Liệu đây có phải do Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Âu Cơ (nhà sản xuất) hay Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - AEROPHA (tiếp thị, phân phối) chủ đích quảng cáo thổi phồng, lập lờ Kim Thần Khang là thực phẩm chức năng thành thuốc hay không? Hay do đại lý phân phối Kim Thần Khang muốn bán sản phẩm số lượng lớn, doanh thu cao mà làm liều... "lừa dối" người tiêu dùng?
Hiện, để xác thực thông tin liên quan đến TPCN Kim Thần Khang, chiều 2/5 vừa qua, PV Kiến Thức đã đến Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Âu Cơ liên hệ làm việc. Đại diện Công ty cho biết: "Chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng bên Á Âu (tức Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - PV). Tất cả các quảng cáo, tiếp thị như nào là thuộc của họ hết".
PV đến và đặt lịch làm việc với Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu thì nhân viên lễ tân cho biết: "Lãnh đạo đi vắng, hẹn hôm khác trả lời..."; tiếp tục liên hệ tới số điện thoại 024 38461530 trên website của Công ty Á Âu thì nhận được trả lời: "Bên em có bộ phận truyền thông trả lời cái đó... Thế thì anh hỏi lễ tân giúp em...".
Vấn đề đặt ra là: Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Âu Cơ đã "đá bóng" trách nhiệm quảng cáo thổi phồng, lập lờ TPCN Kim Thần Khang như thuốc sang sân của Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu. Vậy, phía Á - Âu nên trực diện tiếp xúc báo chí và cởi mở trao đổi để làm rõ: ai đang tạo quảng cáo nhãn hàng Kim Thần Khang gây hiểu lầm, được coi như "lừa dối" người tiêu dùng? Nếu là đối tượng bên ngoài thì cần phải truy rõ để quy trách nhiệm? Nếu do Công ty Á-Âu thực hiện thì đề nghị Cục An toàn Thực phẩm có biện pháp nghiêm xử lý, chấn chỉnh kịp thời... Kiến Thứctiếp tục làm rõ và thông tin tới bạn đọc.
Hiện, không rõ đối tượng nào đang thổi phồng và lập lờ quảng cáo Kim Thần Khang như thuốc chữa bệnh, tuy nhiên hành động này rõ ràng đang vi phạm pháp luật?
Tra cứu văn bản pháp luật, tại khoản 2 Điều 27 chương 8 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định rõ về việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.