HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC, UPCoM: VCR) công bố quyết định thông qua chấm dứt và thanh lý trước hạn hợp đồng hợp tác đầu tư với Tổng công ty Vinaconex (HoSE: VCG) - công ty mẹ của VCR.
Vào tháng 6/2021, Vinaconex đã ký hợp đồng góp vốn với Vinaconex-ITC hợp tác đầu tư phân khu CT02 và hạ tầng kết nối phân khu CT02 của dự án khu đô thị Du Lịch Cái Giá (Cát Bà Amatina) tại thị trấn Cát Bà, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Theo thỏa thuận, Vinaconex-ITC góp bằng tài sản và giá trị quyền đầu tư kinh doanh khai thác phân khu CT02, Tổng công ty Vinaconex góp bằng tiền mặt 2.200 tỷ đồng và được hưởng 50% lợi nhuận từ phân khu này. Lợi nhuận chia được tính theo nguyên tắc doanh thu trừ chi phí và sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, Vinaconex ITC đảm bảo mức lợi nhuận được chia cho Vinaconex trong thời gian hợp tác đầu tư không thấp hơn 15%/năm trên số dư thực tế mức góp vốn đầu tư theo từng thời điểm vào phân khu CT02.
Song, lãnh đạo Vinaconex-ITC cho biết đã nhận được công văn phía Vinaconex về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư trên. Theo đó, Vinaconex-ITC có nghĩa vụ hoàn trả lại tổng công ty 2.200 tỷ đồng trong thời hạn 90 ngày kể từ 30/9. Còn Vinaconex có nghĩa vụ làm việc với tổ chức tín dụng để giải tỏa toàn bộ các tài sản của Vinaconex-ITC đã thế chấp phát sinh theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác.
BCTC soát xét bán niên 2023 của Vinaconex thể hiện 2 khoản vay dài hạn có tài sản đảm bảo thuộc dự án Cát Bà Amatina của Vinaconex-ITC. Đó là khoản vay 2.060 tỷ đồng tại Sacombank (HoSE: STB), đến hạn 2027, lãi suất 11,7 – 13,2%/năm và khoản trái phiếu phát hành cho TPBank (HoSE: TPB) trị giá 1.700 tỷ đồng, đáo hạn từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2028, lãi suất 9,9% - 10,6%.
Giãn tiến độ dự án do thị trường bất động sản gặp khó
Vinaconex-ITC là công ty con của Vinaconex, được thành lập 2008 để đầu tư phát triển dự án Cát Bà Amatina. Dự án có diện tích hơn 172 ha, tổng đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, được định hướng xây dựng thành khu đô thị mới – du lịch hiện đại. Cát Bà Amatina chia làm 2 giai đoạn phát triển gồm giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và giai đoạn 2 trong 2025.
Đến cuối 2022, Vinaconex-ITC báo cáo đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và san lấp khoảng 98% toàn bộ dự án. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 như đường giao thông, cấp thoát nước, cầu, cây xanh… đã cơ bản hoàn thành. Về công trình trên đất cũng xong 99/99 căn biệt thự song lập tại khu A1 (BT4) thuộc giai đoạn 1 dự án.
Ban lãnh đạo xác định sản phẩm của dự án thuộc phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nên phụ thuộc phần lớn vào tình hình thị trường du lịch, nghỉ dưỡng trong nước và quốc tế vốn đang chịu tác động lớn từ biến động kinh tế vĩ mô, cung cầu thị trường, chính sách tín dụng của NHNN…
Năm 2022, tình hình thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, thanh khoản thấp nên công ty thay vì mở bán các sản phẩm mới ra thị trường đã tập trung bàn giao nhà cho khách hàng, ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ khu biệt thự song lập BT4. Cùng với đó, công ty cũng chủ động giãn tiến độ triển khai dự án, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với diễn biến thị trường.
Lãnh đạo Vinaconex-ITC đánh giá còn nhiều khó khăn nhưng năm 2023 sẽ là năm nền tảng, tạo đà chuẩn bị đón đầu chu kỳ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm nay được xây dựng trên cơ sở thận trọng.
Về kết quả kinh doanh, Vinaconex-ITC nhiều năm liên tục lỗ và mới có lãi năm 2022 với 5,4 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp phát sinh doanh thu kinh doanh bất động sản 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không có. Đồng thời, lợi nhuận khác tăng mạnh từ 475 triệu đồng lên 8 tỷ đồng nhờ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Nhờ đó, lãi ròng đạt 1,4 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 9,2 tỷ cùng kỳ năm trước. Dù vậy, công ty mới thực hiện 18% chỉ tiêu doanh thu và 7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Về phía công ty mẹ Vinaconex có 3 trụ cột kinh doanh chính gồm xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. Ban lãnh đạo đánh giá thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn, lĩnh vực xây dựng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp, trọng điểm phát triển được kỳ vọng ở nhóm xây dựng hạ tầng, công nghiệp, trong đó dự án đầu tư công mang tính dẫn dắt.
Từ đầu năm đến nay, Vinaconex liên tiếp trúng thầu nhiều dự án công như dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, gói thầu số 09/TP2 – XL thuộc dự án thành phần 2.1 – xây dựng đường song hành Hà Nội... Đồng thời, Vinaconex là nhà thầu trong nước duy nhất góp mặt trong ¾ liên danh trúng thầu các gói thầu lớn 5.10, 4.6 và 3.4 của dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 tổng đầu tư lên đến 46.400 tỷ đồng. Năm 2022, tổng giá trị trúng thầu của toàn tổng công ty là 11.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ 9.700 tỷ đồng.