Vì sao Ngân hàng Nhà nước ngừng đấu thầu vàng miếng?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, một số nước khi thực hiện kiểm soát lạm phát thì phải hy sinh tăng trưởng, nhưng kết quả đạt được của Việt Nam khá tích cực vì chúng ta đã đạt được cả hai.
Trong cả ngày 29/5, khi thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội, tài chính, ngân sách năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu Quốc hội nêu một số bất cập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay như chênh lệch tỉ giá, tín dụng tăng chậm, lãi suất ngoại tệ 0% không thu hút được dân gửi ngoại tệ, giá vàng trong nước tăng quá cao so với quốc tế...
Giải trình về nhóm vấn đề này vào cuối buổi chiều cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, một số nước khi thực hiện kiểm soát lạm phát thì phải hy sinh tăng trưởng, nhưng kết quả đạt được của Việt Nam khá tích cực vì chúng ta đã đạt được cả hai.
Theo đó, tăng trưởng mặc dù không đạt được mục tiêu như Quốc hội đề ra nhưng so với các nước ở trên khu vực và thế giới thì đây là mức khá cao; lạm phát của chúng ta cũng được kiểm soát rất tốt. Đây là một điểm sáng được quốc tế đánh giá rất cao.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, có thể nói rằng kinh tế vĩ mô và tiền tệ tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, Thống đốc nhận định, có một số diễn biến mà Chính phủ đang rất quyết liệt quan tâm chỉ đạo.
Vi sao Ngan hang Nha nuoc ngung dau thau vang mieng?
  Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình các băn khoăn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH.
Tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào cuối năm
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá chịu áp lực tăng là một diễn biến chung của các nước trên thế giới, nhiều đồng tiền trong khu vực đang mất giá ở mức độ tương đối cao. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cũng đã theo dõi rất sát và vừa qua thực hiện phối hợp đồng bộ các giải pháp, chính sách để có thể điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp để đảm bảo được nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước.
Ngân hàng Nhà nước thấy rằng trong thời gian vừa qua, nguồn ngoại tệ cung ứng chủ yếu là cho nhu cầu nhập khẩu, cho sản xuất trong nước; chắc chắn thời gian tới, sự phát triển quay trở lại của sản xuất cũng như tăng xuất khẩu sẽ hỗ trợ cho cung, cầu ngoại tệ.
Đặc biệt, khi có yếu tố biến động tăng của chỉ số USD thì các doanh nghiệp cũng tăng cường mua kỳ hạn, tức là mua trước, có nghĩa là trong giai đoạn tương lai có thể sẽ giảm nhu cầu ngoại tệ và FED có thể điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm. Nhiều dự báo cho thấy tỷ giá vào cuối năm sẽ được hạ nhiệt.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, để cho các doanh nghiệp yên tâm về vấn đề điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước", Thống đốc nói.
Đối với vấn đề tín dụng thấp, Thống đốc NHNN cho biết, đây cũng là một vấn đề được đề cập ở nhiều kỳ họp trước và là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, không chỉ riêng ở Việt Nam.
Ngoài ra, tín dụng tăng trưởng thấp còn do vấn đề đầu ra khó khăn của doanh nghiệp, cả xuất khẩu lẫn thị trường nội địa.
Các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản thì hiện nay cũng đang có những khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các tổ công tác đến tận các địa phương để giải quyết.
Chính phủ vừa qua đã tăng cường chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở đường cao tốc. Bà Hồng cho rằng, đây là một điều rất đúng và trúng bởi vì khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu thì ta đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp, từ đó sẽ kích hoạt lại tín dụng từ hệ thống ngân hàng. 
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần báo cáo và kiến nghị là với 95% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nên cũng cần phải có những giải pháp tăng cường. Ví dụ như bảo lãnh các doanh nghiệp để vay vốn tại ngân hàng có thể sẽ thúc đẩy tín dụng cao hơn.
Triệt tiêu lợi ích từ nắm giữ USD để chống "đô la hoá"
Về vấn đề lãi suất tiền gửi ngoại tệ nên tăng để có thể huy động từ người dân, Thống đốc NHNN cho biết, chủ trương chống "đô la hóa" là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thực hiện trong nhiều năm qua để kiểm soát lạm phát, tăng giá trị của Việt Nam đồng.
Trong điều hành tỷ giá và lãi suất, NHNN điều hành theo hướng để đồngViệt Nam hấp dẫn hơn và triệt tiêu những lợi ích từ việc nắm giữ USD. "Chính vì vậy, lãi suất đồng USD đưa về 0% là một trong những giải pháp, từ đó khuyến khích người dân có ngoại tệ sẽ bán cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng bán cho Ngân hàng Nhà nước để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Khi dự trữ tăng lên sẽ có dư địa để có thể can thiệp vào ổn định thị trường tỷ giá và ngoại hối", bà Hồng thông tin.
Minh bạch hoá thị trường vàng
Về quản lý thị trường vàng, Thống đốc cho biết giá vàng tăng cao và biến động phức tạp cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới; tuy nhiên chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng, đặc biệt là vàng SJC.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm và có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt cả Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24 để có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường và thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng miếng kế thừa cách làm từ năm 2013 với kỳ vọng là tăng cung vàng ra thị trường thì giá sẽ giảm dần.
Tuy nhiên, Thống đốc thừa nhận, qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng, cho nên cơ quan này đã cho dừng đấu thầu vàng để đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân, xây dựng một phương án mới để bắt đầu triển khai trong tuần tới.
Tư lệnh ngành Ngân hàng cũng cho hay, giải pháp điều hành mới sẽ đi đôi với biện pháp minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng như chỉ đạo của Chính phủ.
"Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện mọi mặt từ hóa đơn, chứng từ, từ các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch vàng để thấy rằng trong thời gian vừa qua những biến động trên thị trường vàng cũng không ngoại trừ những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ, găm giữ, đẩy giá", bà Hồng nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhìn nhận, giá vàng hiện nay đang biến động rất khó dự đoán. Nhà nước nên tiếp tục có sự hỗ trợ để làm sao thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với thế giớ, đảm bảo những người có nhu cầu mua được vàng.
Theo ông Ngân, cần có giải pháp để quản lý thị trường này như khi giao dịch phải có hóa đơn, chứng từ và phải tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu, chống đầu cơ, lũng đoạn vàng… Đồng thời, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 24 để giá vàng và thị trường vàng được kiểm soát tốt hơn. 
Trong khi đó, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận xét, việc mua vàng nhập về đấu thầu để bình ổn không phải là giải pháp, mà giải pháp triệt để ở đây là sửa triệt để Nghị định 24, đưa hoạt động kinh doanh trở thành bình thường, có sự điều tiết, quản lý. Ngoài ra, phải có những giải pháp kỹ thuật, không khuyến khích việc đưa vàng miếng ra bán.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, cần phải bỏ độc quyền vàng miếng, để không tạo ra những bất cập một cách vô lý như vậy, để thị trường tự điều tiết là chính.

Mai Loan

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN