Vì sao giá xăng Việt Nam chỉ giảm có 4.200 đồng?

Mỗi lít xăng giảm khoảng 4.200 đồng, dầu hạ bình quân 1.800 đồng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng giá đã có thể giảm sâu hơn.
 

Hôm 29/3, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mạnh giá xăng dầu. Cụ thể, xăng E5 RON 92 giảm 4.100 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 4.252 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: giảm 1.776 đồng/lít; Dầu hỏa: giảm 2.705 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 1.048 đồng/kg.

Như vậy, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 11.956 đồng/lít và xăng RON 95 là 12.560 đồng/lít, thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Tuy nhiên, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang chứng kiến sụt giảm tới 50% từ những ngày đầu tháng 3/2020 đến nay do thông báo phong tỏa của các nền kinh tế chủ chốt nhằm đối phó đại dịch Covid-19.

Một vài tuần trước đó, Brent mất tới 25% - mạnh nhất kể từ năm 2008 do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận giải cứu giá dầu.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng giá xăng có thể giảm sâu hơn chớ không dừng tại mức giảm 4.200 đồng/lít như lần điều chỉnh ngày 29/3.

Được biết giá xăng dầu hiện nay được điều chỉnh theo cơ chế thị trường và có sự tác động của Nhà nước, cụ thể nhất là Quỹ bình ổn.

Tại kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, với xăng RON 95 là 1.150 đồng/lít. Tức là nếu không trích quỹ, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 sẽ giảm thêm lần lượt 300 đồng/lít và 1.150 đồng/lít.

Vi sao gia xang Viet Nam chi giam co 4.200 dong?
 Giá xăng giảm không tương ứng với giá dầu thô thế giới.

Theo một số doanh nghiệp đầu mối, lý do mức giảm của giá xăng dầu trong nước so với thế giới “khập khiễng” là do cơ quan điều hành giá phải liên tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để có dư địa đề phòng khả năng giá xăng dầu thế giới bật tăng trở lại. Đây cũng là đặc thù của giá xăng dầu ở Việt Nam khi vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Trong đó, xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, được điều hành trên cơ sở Luật Giá và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Quỹ bình ổn giá đóng vai trò như một chiếc van để đóng/mở giá xăng dầu trước những biến động trên thị trường thế giới. Nếu giá thế giới tăng mạnh, quỹ này sẽ được xả để kiềm chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước. 

Việc tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được đem ra bàn thảo nhiều lần trước đây. Hồi giữa năm 2019, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị bỏ Quỹ này để giá mặt hàng này tiệm cận hơn với thế giới. Theo hiệp hội trên, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng mỗi lít theo quy định Nghị định 83 khiến người tiêu dùng "chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ.

Trong một báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 8/2019, Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, số tiền trích Quỹ bình ổn xăng dầu được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối thực chất là "khoản thu trước của người dân, doanh nghiệp". Uỷ ban này đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bỏ ngay Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên đề xuất này sau đó đã bị Bộ Công Thương, Tài chính bác bỏ. Lãnh đạo Bộ này cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn phát huy hiệu quả khi phần nào tránh cú sốc cho người tiêu dùng trước sự tăng giá đột ngột mặt hàng xăng.

Còn Bộ Tài chính thì lập luận vẫn cần Quỹ bình ổn xăng dầu để tránh cú sốc cho thị trường để cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày.

Trả lời VNE, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, với quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam điều hành theo chu kỳ 15 ngày. Ngoài độ trễ điều hành giá theo bình quân 15 ngày, nhà điều hành cũng phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, ngoài Quỹ bình ổn, cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu còn gồm lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, các loại thuế, phí... chiếm hơn 50% cơ cấu giá.

Đáng kể nhất trong cơ cấu thuế, phí xăng dầu hiện nay là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng là 3.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 đồng/lít... Khi giá dầu càng giảm, tỷ trọng các loại thuế, phí, trong đó thuế bảo vệ môi trường càng tăng lên.

Chưa kể tỷ giá VND/USD nhập khẩu xăng dầu cao hơn so với cách đây 1-2 năm. Với những nguyên nhân này, ông Đông cho rằng "không thể so sánh cơ học giá dầu thô giảm sâu thì giá điều hành trong nước phải giảm theo tương ứng".

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN