Tử vong vì ô nhiễm không khí cao hơn nhiều so với virus corona

Ô nhiễm không khí tiếp tục là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, với 90% dân số toàn cầu hít thở bầu không khí không an toàn. 
Dữ liệu mới nhất do tổ chức IQAir tổng hợp được công bố trong "Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019" và xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất, cho thấy tình trạng ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) thay đổi trên toàn thế giới trong suốt năm 2019.
Bộ dữ liệu mới nhấn mạnh mức độ ô nhiễm không khí tăng cao do các sự kiện biến đổi khí hậu như bão cát, cháy rừng và ô nhiễm gia tăng từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng của các thành phố trong các khu vực như Đông Nam Á. Trong khi cơ sở hạ tầng giám sát chất lượng không khí trên toàn cầu đã có một số cải thiện thì vẫn còn những lỗ hổng lớn trong việc truy cập dữ liệu trên toàn thế giới.
Tu vong vi o nhiem khong khi cao hon nhieu so voi virus corona
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Ảnh: Zing 
Frank Hammes, Giám đốc điều hành IQAir cho biết: “Trong khi chủng virus corona mới đang thống trị truyền thông quốc tế thì một kẻ giết người thầm lặng đang góp phần làm tăng thêm gần 7 triệu cái chết mỗi năm: Ô nhiễm không khí. Thông qua việc tổng hợp và hiển thị dữ liệu từ hàng ngàn trạm quan trắc chất lượng không khí, Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019 đưa ra bối cảnh mới cho mối đe dọa sức khỏe môi trường hàng đầu thế giới”.
Theo nội dung báo cáo, tại Trung Quốc: các thành phố đã giảm trung bình 9% mức độ ô nhiễm PM2.5 vào năm 2019, sau khi giảm 12% vào năm 2018. Tuy nhiên, 98% các thành phố đã vượt quá các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới(WHO) đặt ra và 53% các thành phố vượt quá các mục tiêu quốc gia ít nghiêm ngặt hơn của Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã giảm hơn một nửa mức độ ô nhiễm PM2.5 hàng năm. Năm 2019, Bắc Kinh đã không còn nằm trong bảng xếp hạng 200 thành phố ô nhiễm nhất.
Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia có mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2019. Chất lượng không khí tại các thành phố lớn vẫn tương đối kém trong những năm gần đây.
Tại Nam Á, các thành phố của Ấn Độ và Pakistan một lần nữa lại thống trị các thành phố bị ô nhiễm bụi mịn nặng nhất thế giới trong năm 2019. 21 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất nằm ở Ấn Độ. 5 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất nằm ở Pakistan.
Tại Đông Nam Á, do tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng của khu vực, các trung tâm đô thị Jakarta và Hà Nội lần đầu tiên đã vượt qua Bắc Kinh để lọt vào danh sách các thủ đô bị ô nhiễm PM2.5 cao nhất thế giới.
Cũng theo báo cáo này, cháy rừng và việc đốt rơm rạ, rác thải, trong canh tác nông nghiệp có ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí của các thành phố và quốc gia trên thế giới, bao gồm: Singapore, Úc, Indonesia, Brazil, Kuala Lumpur, Bangkok, Chiang Mai, Los Angeles và nhiều quốc gia, thành phố khác. Sa mạc hóa và bão cát cũng đóng một vai trò lớn đối với tình trạng chất lượng không khí kém ở Trung Đông và phía tây Trung Quốc.
Dữ liệu chất lượng không khí năm 2019 cho thấy các dấu hiệu rõ ràng rằng biến đổi khí hậu có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, thông qua sự gia tăng tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng và bão cát. Tương tự, ở nhiều vùng, nguyên nhân gây ô nhiễm PM2.5 xung quanh và khí nhà kính gây biến đổi khí hậu có liên quan đến nhau, cụ thể là đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá. Hành động khẩn cấp là cần thiết để giải quyết các nguồn phát thải này, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.
An Lê

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN